Tôi thường hay viết
linh tinh về mấy vấn đề lịch sử, địa lý, văn hóa,… mà tôi yêu thích. Đó là cách
chuyển những tư duy, hiểu biết bên trong mình thành một dạng ngôn ngữ, trong một
trường hợp cụ thể. Đôi khi, ta hiểu vấn đề, nhưng để trình bày ra cho người
khác cùng hiểu là vấn đề khác. Đó là lí do tôi viết, xem như mình học một lần nữa.
Cũng giống như NCKH, viết có mục đích hiểu những vấn đề ta tưởng như hiểu nhưng
chưa thực hiểu, hoặc đào sâu, khai thác thêm những kiến thức mới.
Lại khi tôi viết về cảm
xúc của tôi. Xem quyển sách của người khác, ta có thể viết hàng trăm, hàng
nghìn dòng nhận xét, đánh giá nội dung của nó; nhưng quyển sách cuộc đời ta, thực
rất khó viết. Biết người dễ, biết mình khó. Tôi thường xem việc viết quyển sách
cuộc đời là một phương pháp thấu hiểu bản thân mình từ những tư duy, suy nghĩ
thầm kín nhất trong não bộ.
Có người khen tôi viết
dễ hiểu, ắt có lẽ chịu ảnh hưởng bới cách viết dân dã của ông già Sơn Nam (văn
cụ tuy mộc mạc mà đã đạt mức thượng thừa thần sầu, thâm trầm tinh tế lắm rồi, đẳng
cấp là ở chỗ đấy). Nhưng thực ra tôi nhận mình bị chi phối bởi quyển sách này
hơn. Đọc xong quyển này, điều thay đổi duy nhất là tôi cân nhắc đến từng con chữ,
dấu phẩy khi viết (nhưng thỉnh thoảng cứ viết theo cảm xúc mà không cân chỉnh
thứ gì).
Cụ Thu Giang chê quyển
này tầm thường, nhưng đây là Thuật viết văn, chứ không phải quyển Để thành nhà
văn (của cụ Thu Giang), tức là xem để viết được một câu văn, đoạn văn cho mạch
lạc trôi chảy, nào dám mơ tưởng thành nhà văn. Chính tác giả thừa nhận trong phần
Ngỏ ý “Theo nhan đề khiêm tốn của sách, chúng tôi chỉ xin trình bày những cái
thông thường trong văn”. Vì vậy tôi thấy nó phù hợp với mình.
Viết là một kỹ năng
quan trọng đấy. Tôi thiết nghĩ, trong thế giới ảo facebook, có nhiều người sống
im lặng, một phần, như đã từng có người im lặng thú nhận với tôi là tại họ chẳng
biết viết gì, mà có viết thì không đầu cũng chẳng đuôi, nên họ im lặng, chớ
không phải họ sống nội tâm hay ít nói đâu. Viết ngu không dám viết đấy. Nên
thôi, tôi khuyên là tìm quyển này đọc để viết được những điều bình thường, ai
cũng nên thế.
-------------------------------------------
P/s: Lại nói thêm về cụ
Nguyễn Văn Hầu mà tôi đã có dịp giới thiệu với các bạn qua quyển Nửa tháng
trong miền Thất Sơn và Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang.
Nguyễn Văn Hầu, hiệu
là Bút Trạch, sinh năm 1922 tại An Giang. Là người am tường chữ Hán, chữ Pháp,
rất sành cổ nhạc và nghiên cứu y thuật Đông Phương. Ông viết báo, viết sách, diễn
thuyết, dạy văn sử học tại Trung và Đại học. Ông là một học giả có nhiều đóng
góp lớn đối với lịch sử phát triển miền Hậu Giang. Ông cũng từng quan sát và khảo
cứu tại chỗ về văn minh và cổ học tại nhiều nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Ấn
Độ và Trung Quốc. Ông mất ngày 12 tháng 3 năm 1995, để lại trên 20 tác phẩm về
nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, tôn giáo, du ký. Trong đó có nhiều tác phẩm có
giá trị.
Tôi thích câu này
trong Lời giới thiệu quyển Thoại Ngọc Hầu cụ Sơn Nam viết: “Nguyễn Văn Hầu là
nhà nghiên cứu đã khiêm tốn đi sâu vào lòng đất của vùng quê ruột thịt mà ông
bà ta đã định cư từ trước.”
Cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: "Theo đạo Hòa Hảo, nhưng không làm chính trị, chỉ nghiên cứu kinh giảng của thầy Tư, điều khiển tờ Hoa Sen của tín đồ trong đạo, thường đi thuyết giáo ở các làng, quận miền Tây, được tín đồ tiếp đón long trọng, do đó chính quyền Thiệu cũng trọng nể".
GĐ,10/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét