Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Việc đọc (2015)

Do không có thói quen ghi nhận lại việc đọc sách của bản thân (sẽ thay đổi trong năm nay) nên tôi không chắc chắn về số lượng sách và những đầu sách đã xem trong năm 2015. Nhưng theo ký ức, có vài thứ cần ghi nhận lại về việc đọc sách trong năm rồi để ghi nhớ và cải thiện dần trong những năm sau:

- Quyển sách đọc đầu tiên: Chiếc Lexus và cây oliu (Thomas Friedman) - NXB Khoa học xã hội 2009.
- Quyển sách đọc cuối cùng: Hương quê - Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác (Sơn Nam) - NXB Trẻ 2006.
- Quyển sách dày nhất đã đọc: Suối nguồn (Ayn Rand) - 1174 trang - NXB Trẻ 2010.
- Quyển sách mỏng nhất đã đọc (và đọc nhanh nhất, trong chưa đầy 1h): Để thành nhà văn (Thu Giang Nguyễn Duy Cần) - 96 trang - NXB Trẻ 2013.
- Quyển sách xem thấy bổ ích nhất: Tôi tự học (Thu Giang Nguyễn Duy Cần) - NXB Thanh niên 1999.
- Quyển sách đọc thú nhất: Sống đẹp (Lâm Ngữ Đường, bản dịch Nguyễn Hiến Lê) - NXB Văn hóa 1999.
- Quyển sách gợi nhiều điều nhất cho nhân sinh quan và thế giới quan: Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (Nguyễn Hiến Lê) - NXB Văn học 2011 (xem thêm một số chương bị lược bỏ trên mạng).
- Quyển sách đọc nhưng chưa hiểu nhất: Quân vương - Thuật cai trị (Machiavelli) - Alphabooks 2014.
- Quyển sách xem chưa xong và thấy bất lực nhất: Kinh Thi (Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô dịch và chú) - NXB TPHCM 1992.
- Tác giả được ghi nhận: Cao Tự Thanh (với quyển sách Nho giáo ở Gia Định và một số bài viết trên page Tầm Dương).
- Và quyển sách đang xem (sẽ là quyển sách đầu tiên của năm sau): Truyện Kiều - NXB Trẻ 2015 (ấn bản kỉ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du).

Bình: Nhìn chung, sách xem trong năm vừa rồi toàn là sách đã phổ biến, chưa có điểm nhấn và không có tính hệ thống. Điều đó chưa giúp được gì cho sự hệ thống tư duy, nếu không muốn nói là làm rối rắm thêm. Thực sự là những ngày cuối năm, bản thân cực kỳ bối rối, mất định hướng khi những giá trị bản thân từ xưa đến nay dần thay đổi, không còn ranh giới giữa trắng/đúng/nên và đen/sai/không nên.

Giải: Đọc sách là một phương pháp tự học, muốn không rơi vào sự hỗn loạn cần phải có một kế hoạch cụ thể và chi tiết. Ngoài ra, "thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý"; xem sách phải tiếp thu đặng cái ý từ sách, cái lối học tầm chương trích cú đã cũ kĩ. Để đặng điều ấy, khi xem sách, xem tới đâu, chú tới ấy, chỗ nào đã rõ thì diễn ra bằng ngôn từ của bản thân, chỗ nào chưa thấu, ghi chép lại tiện việc tra cứu sau này đễ rõ hơn. Vài dòng nhưng không đơn giản để thực hiện trọn vẹn.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

8 tính cách của người có giáo dục

Thế nào là người có giáo dục? Nhiều khi “vô học” lại là những kẻ chữ nghĩa đầy mình, cũng như những người nông dân ít học lại vô cùng sáng suốt và tinh tế…Liệu người ngày xưa và ngày nay có hiểu khái niệm “con người có giáo dục” khác nhau không, hãy xem qua câu chuyện cách đây gần một thế kỷ rưỡi này…

Anton Chekhov (1860-1904) –nhà văn và tác giả kịch vĩ đại người Nga-đã để lại 900 tác phẩm đủ các thể loại, nhưng trong cuộc sống ông còn dạy chúng ta nhiều điều hơn trong các tác phẩm của mình.

Ông có người em ruột Nicolai là một họa sỹ đầy tài năng, nhưng tiếc thay lại không có bản lĩnh và suốt đời say rượu. Ông rất hiểu, rất thương và buồn cho cách người em coi thường chính khả năng trời phú của mình. Và ông không có cách nào hơn, là viết cho Nicolai một bức thư, mà đến nay chúng ta đọc lại cũng sẽ tìm được cho mình khá nhiều điều bổ ích…

“Matxcơva 1886

“Em thường than thở với anh là “Người ta chẳng hiểu em!” Đến Niutơn và Gớt còn chẳng than thở về điều đó…Người ta hiểu em rất rõ! Nếu người khác không hiểu em, thì đó không phải lỗi của mọi người…

Là một người thân và gần gũi với em, anh có thể khẳng định rằng anh rất hiểu và đồng cảm với em…Anh biết tất cả mọi tính tốt của em, như năm ngón tay của bàn tay mình vậy, đánh giá rất cao và kính nể chúng. Nếu để chứng minh rằng anh hiểu và đánh giá cao chúng thì anh thậm chí có thể liệt kê chúng ra đây. Theo anh thì em tốt bụng đến mức quá đà, rất rộng lượng, dễ tính, thương người, thương yêu súc vật, không đểu giả, không thù dai, tin người…Em gặp may hơn rất nhiều người: trời cho em tài năng! Tài năng đặt em lên trên hàng triệu người, vì cứ hai triệu người mới có một họa sỹ tài năng…

Tài năng đặt em vào một vị thế đặc biệt: em có là con cóc hay con nhện độc, thì mọi người vẫn tôn sùng em, vì tài năng được bỏ qua, tha thứ tất cả. Em chỉ có một điểm yếu duy nhất. Nó là nguyên lý sai lầm của em, của nỗi khổ của em, của chứng viêm loét dạ dày của em. Đó chính là tính vô giáo dục đến cực điểm của em! Xin tha lỗi cho anh, nhưng veritas magis amicitiae (chân lý cao hơn tình bạn)…Bởi vì cuộc sống có những điều kiện của nó…Muốn cảm thấy thoải mái trong môi trường trí thức, không trở nên lạc lõng ở đó và không cảm thấy nặng nề thì cần phải được giáo dục một cách căn bản…Tài năng đưa em vào môi trường đó, em thuộc về đẳng cấp đó, thế nhưng…em bị lôi kéo khỏi nó, và em cứ phải tìm cách cân bằng giữa tầng lớp văn minh và những người vis-a-vis (đối nghịch). Dễ thấy ảnh hưởng của thói tiểu tư sản thành thị, rượu chè, bố thí…Thật khó mà vượt qua được điều đó, quả thật rất khó!

Những người có giáo dục cần phải thỏa mãn những điều kiện sau:

Họ trân trọng cá tính con người, vì vậy luôn độ lượng, nhẹ nhàng, lịch thiệp, nhường nhịn… Họ không nổi đóa lên vì một cái búa hay chiếc tẩy bị mất; sống với ai họ chẳng lấy đó là sự làm ơn, còn khi ra đi không nói rằng: tôi không thể sống với cô (anh) được! Họ bỏ qua những chuyện ầm ĩ, lúc lạnh lùng, miếng thịt rán quá lửa, những câu châm chọc, sự có mặt của người lạ trong căn nhà mình…

Họ có lòng trắc ẩn không chỉ với những người ăn mày hay những con mèo. Tâm hồn họ đau đáu cả với những điều mắt thường không trông thấy được…

Họ tôn trọng tài sản của người khác, và vì vậy luôn trả hết các khoản nợ.

Họ trung thực và sợ sự dối trá như sợ lửa. Họ không nói sai cả trong những điều vặt vãnh. Nói dối là xúc phạm người nghe và hạ thấp người nói trong con mắt người nghe. Họ không phô trương, hành xử ở nơi công cộng cũng như ở nhà, không phỉnh phờ lớp người trẻ tuổi… Họ không ba hoa, không giãi bày tâm sự những khi không được hỏi đến. Vì tôn trọng những lỗ tai người khác, họ thường im lặng.

Họ không tự hủy diệt mình với mục địch để gợi dậy nơi kẻ khác sự thương cảm và giúp đỡ. Họ không khơi gợi lòng trắc ẩn của người khác để nhận lại sự cảm thông và chăm sóc. Họ chẳng nói: Người ta không hiểu tôi!…

Họ không phù phiếm. Họ chẳng quan tâm đến những trò hư vinh, như việc quen biết các nhân vật danh tiếng, lời thán phục của đám người gặp ở salon, sự nổi tiếng nơi quán rượu…

Nếu họ có tài năng, thì họ biết trân trọng nó. Vì nó, họ hi sinh thời gian, đàn bà, rượu chè, những việc lăng nhăng…

Họ phát triển nơi mình khả năng thẩm mĩ. Họ không thể mặc nguyên áo quần mà ngủ, không thể nhìn thấy những khe nứt đầy rệp trên tường, hít thở không khí nặng mùi, bước trên sàn nhà toàn vết nhổ, ăn uống ngay từ trên bếp dầu. Họ cố gắng có thể chế ngự và hoàn thiện bản năng tính dục. Những người có giáo dục trong vấn đề này không nặng về bếp núc. Họ cần ở đàn bà không phải chuyện giường chiếu, không phải mồ hôi ngựa, không phải đầu óc thể hiện khả năng gạt gẫm giả vờ có thai và nói dối không biết mệt… Họ, đặc biệt là những họa sĩ, cần sự tươi mới, tao nhã, tính người. Họ không tham lam bạ đâu uống đấy, không đánh hơi các loại tủ, vì họ biết rằng họ không phải là những con heo. Họ chỉ uống những khi rảnh rỗi, gặp dịp… Bởi vì họ cần mens sana in corpore sano (một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh).

Để giáo dục bản thân và không đứng thấp hơn môi trường xung quanh…cần phải làm việc cả sáng cả chiều, đọc luôn luôn, lòng hiếu học, lý trí…Từng giờ khắc đều quý…Em hãy đến đây, đập vỡ cái bình rượu vođka ấy đi, nằm xuống và đọc, hãy đọc chẳng hạn Turgeniev, tác giả mà em còn chưa đọc ấy…!”


P.S. Nhà văn Chekhov còn là một bác sỹ tâm lý giỏi, thế nên ông là hình mẫu của việc “nói được-làm được”. Cũng như đa số các nhà văn, nhà thơ kinh điển của Nga (hình như có một “truyền thống” như vậy) ngoài vợ ra ông còn có hàng chục nhân tình và luôn tìm được cách thoát ra khỏi họ mà không quá làm họ tổn thương. Ông cũng rời khỏi cõi đời theo một cách rất “có giáo dục” và phải nói là rất ngoạn mục. Bị lao phổi đã lâu, khi đang nghỉ dưỡng ở Đức, thấy mệt lúc nửa đêm, lần đầu tiên ông cho mời bác sỹ tới khám. Khi bác sỹ tới rồi, ông gọi một chai sâm-panh, rót đầy một cốc, sau đó nói “Tôi chết đây” bằng tiếng Đức và tiếng Nga. Thế rồi ông uống hết cốc rượu, cười bằng nụ cười luôn quyến rũ của mình, chỉ nói thêm “Tôi lâu lắm chưa uống sâm-panh…”, nằm xuống giường và ra đi mãi mãi!


Nam Nguyễn sưu tầm, bổ sung lời dịch của Đoàn Tử Huyến – Theo : Chungta.com

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Tôn giáo xách tay

Lang thang nhiều trên mảnh đất Nam Bộ, tôi đã chạm đến tầng tín ngưỡng của những "tôn giáo xách tay".
Khái niệm “tôn giáo xách tay” là của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Đồng để chỉ một số tôn giáo ở Nam Bộ được đề xuất trong một cuộc hội thảo về tôn giáo. Khái niệm này nhấn mạnh đến sự đơn giản hóa các thể thức trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Nam Bộ. Sự đơn giản hóa này xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Sự đơn giản và thuận tiện ấy xuất phát từ cách sống của những người dân Nam Bộ, vốn là những lưu dân đi mở đất. Ở cái thuở ban đầu đấy, họ không có cơ ngơi hoành tráng, nhà cao cửa rộng và vẫn còn phiêu bạt đó đây để tìm cho mình một chỗ trú chân thích hợp. Trong điều kiện đó, có khi còn lênh đênh trên ghe, xuồng, hoặc ở chòi, ở lều, thì mọi thứ cần phải đơn giản, gọn nhẹ, kể cả tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ cần cành hoa, chén nước lạnh, nhúm gạo sống, miếng thịt… là có thể đủ cho một bàn thờ, thực hiện được các nghi lễ cúng bái. Xong việc, có thể dẹp bàn thờ, cho bát nhang vào túi cói, túi bang xách đi. Tín ngưỡng tôn giáo với người dân Nam Bộ không phải là sự ràng buộc khắt khe. Họ đến với tín ngưỡng, tôn giáo không phải vì giáo lý của tôn giáo đó. Thậm chí họ cũng không quan tâm nhiều đến giáo lý. Tín ngưỡng, tôn giáo đối với họ đơn giản chỉ là niềm tin, là chỗ dựa để họ vững lòng khi phải đối diện một thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ “Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tợ bánh canh. Cỏ mọc thành tinh. Rắn đồng biết gáy”, hay “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường. Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”.
Đi xuống vùng miền Tây Nam Bộ, sẽ dễ nhận thấy trước mỗi sân nhà, thậm chí trước mũi ghe, có một bàn thờ thiên. Bàn thờ thiên là bàn thờ trời, là một vị thần có quyền uy cao nhất theo tín ngưỡng của người Việt và người Hoa ở Nam Bộ. Bàn thờ thiên là một miếng ván gỗ nhỏ, được đặt trên một cây trụ gỗ. Trên bàn thờ thường có một bình hoa, bát nhang và chén nước lạnh. Vào ngày rằm mùng một, người ta thắp nhang vái tứ phương.
Ở đình làng, việc thờ cúng cũng khá đơn giản. Rất ít vị thành hoàng có tên tuổi và lai lịch rõ ràng, chỉ được ghi chung là “Thành hoàng bổn cảnh”. Nhiều đình làng không có sắc phong Thành hoàng, hay thậm chí đi ăn trộm sắc phong Thành hoàng của làng khác. Bàn thờ của đạo Hòa Hảo cũng khá đơn giản. Một tấm vải nâu (gọi là trần điều), bát nhang, chén nước lã, hoa, trái cây nếu có. Tín đồ cũng tu tại gia. Kinh của đạo Hòa Hảo gọi là Sấm giảng, viết ở thể lục bát, nôm na, dễ hiểu với số đông.
Một câu sấm giảng cho thấy sự ít ràng buộc về nghi thức, luật lệ:
Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.
Nếu Nam Bộ là môi trường động thì Bắc Bộ là môi trường tĩnh. Lũy tre làng, tập tục, hương ước của một vùng đất cổ đã khiến cho việc nảy sinh cái mới, nhất là cái mới trong tôn giáo xem ra có vẻ khó khăn hơn. Đất Bắc bộ lại là mảnh đất truyền thống của Phật giáo, là nơi gần với ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến Trung Hoa, xem ra bảo thủ hơn, thuần chất hơn trong mọi vấn đề, chứ không chỉ riêng vấn đề tôn giáo. Còn Trung Bộ, xét cho cùng cũng mang nhiều nét mới, đó cũng từng là mảnh đất của một tộc người khác, quốc gia khác. Nhưng môi trường biển khiến cho tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đất này ngoài truyền thống ra, lại chủ yếu mang những nét đặc trưng của miền biển, chứ không hướng đến sự đơn giản, thiết thực của những cư dân đồng bằng Nam Bộ. Mặt khác, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cũng nhiều phần giống Bắc Bộ, lại là nơi đặt kinh đô suốt mấy trăm năm, không dễ gì có điều kiện cho những tôn giáo mới. Nam Trung Bộ thì tôn giáo vẫn chủ yếu có dấu ấn của người Chăm, hoàn cảnh không giống như ở Nam Bộ. Nên có thể nói sự xuất hiện của các “tôn giáo xách tay” hay “ông đạo ” ở Nam Bộ là sự riêng biệt và không lặp lại của lịch sử.
Đạo Cao Đài cũng có hình thức kinh kệ đơn giản gọi là Cơ bút.
Bên cạnh những tôn giáo được nhắc nhiều trong sách vở như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài… có thể được gọi là “tôn giáo xách tay” thì ở Nam Bộ xuất hiện những ông đạo. Đây là hiện tượng rất đặc thù, riêng có vùng đất này. Có những ông đạo nổi tiếng như đạo Khùng, đạo Tưởng, đạo Dừa, đạo Ngồi, đạo Nằm, đạo Chuối, đạo Gò Mối… Bản thân cái tên đã chỉ rõ tính chất quan trọng nhất của các loại “đạo” này. Ông đạo Khùng ngày nay chắc được xếp vào loại bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ông đạo Nằm (tôi từng đến chùa nơi ông tu) chủ trương nằm để tu, nằm để phản đối chiến tranh (có thể là một hình thức bất bạo động kiểu thánh Gandhi chăng?). Ông đạo Ngồi thì lại tu… ngồi là chính. Ông đạo Dừa, đạo Chuối chủ trương dùng thực phẩm là những món này. Đạo Gò mối là do tu trên Gò mối, không cần chùa.
Khái niệm ông Đạo ở Nam Bộ là để chỉ những người có khả năng đặc biệt, như khả năng chữa bệnh, khả năng tập hợp quần chúng, khả năng huyền linh, dẫn dắt mọi người theo một chủ thuyết nào đó. Tóm lại, là người có khả năng làm những điều mà người bình thường không làm được, và mang màu sắc thần bí”.
Nhiều ông Đạo ở Nam Bộ không đại diện cho một tôn giáo nào. Ông không có đồ đệ, tín đồ (tất nhiên trừ một số vị danh tiếng như đạo Dừa), cũng không đề xuất ra lý thuyết hay giáo lý gì. Nhưng người dân thì sùng bái và tin các ông Đạo, thậm chí sợ hãi họ vì cho rằng các ông đạo có khả năng siêu phàm, hơn người thường. Các ông Đạo được xem là có khả năng tiếp xúc với thần thánh, thế giới siêu nhiên, và mọi hành vi kỳ quái dễ được giải thích là để tiếp xúc với thần linh.
Mặt khác, nhiều ông đạo lại kiêm luôn việc chữa bệnh, bốc thuốc cho người dân, vì thế, lòng tin lại được tăng thêm nếu ông chữa khỏi bệnh. Những ông đạo thường chữa bệnh bằng việc kết hợp hai phương thức. Họ dùng cây cỏ để chữa bệnh (trong trường hợp rắn cắn, cảm sốt…) và kèm theo là việc cúng bái, thực hiện các nghi thức có tính bùa chú như lên đồng, trừ ếm tà ma…
Người dân Nam Bộ cũng nhờ vả các ông đạo trong những lĩnh vực khác. Họ nhờ xem vận hạn, ngày lành tháng tốt cho việc ma chay, cưới hỏi. Họ cầu khẩn ông đạo ra tay trừ các loại yêu quái làm hại gia đình, làng xóm, giải thoát con người khỏi tai ương. Các loại bùa phép, ngải, cùng những nghi thức cầu cúng được thực hiện để ngăn chặn, trục xuất ma quỷ. Từ đó nảy sinh huyền thoại về các loại bùa phép tránh được dao kiếm, súng đạn…
Vậy tại sao ở mảnh đất miền Nam mới có các ông đạo, hay cao hơn một bậc là các “tôn giáo xách tay”? Quay lại với bối cảnh thời khẩn hoang Nam Bộ, người dân Việt cần đến nhu cầu tâm linh một cách đơn giản và thiết thực, nhất là khi nhiều tộc người có sự chung sống cộng cư với nhau, ảnh hưởng đến nhau. Nét cá tính của người Nam Bộ như bình dân, đơn giản, phóng khoáng, không câu nệ lễ nghĩa, không nghĩ cao xa, viển vông, mà lại thực tế là điều được hình thành từ thuở di dân. Những “tôn giáo xách tay” hay “ông đạo” đã đáp ứng được nhu cầu này. Sự tin tưởng thậm chí cả tin được xác lập, bởi vì người thấy phù hợp với lối sống, lối sinh hoạt của mình. Không cao xa về giáo lý, học thuyết, mà lại gần gũi, thiết thực nhưng vẫn có những yếu tố thần bí, ly kỳ, lạ lẫm đủ sức mê hoặc. Niềm tin vào những tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống như tín ngưỡng thờ Thành hoàng, Phật giáo… dường như chưa đủ, mặt khác lại quá phức tạp, chưa đáp ứng được điều mà tâm thức người dân Nam Bộ hướng đến. Những giáo lý đơn giản, những con người thật nửa linh thiêng, nửa trần tục như ông Đạo, xem ra là phù hợp hơn.
Tính phóng khoáng ấy còn được thể hiện ở chỗ người dân Nam Bộ có thể sẵn sàng theo hay rời bỏ tôn giáo mà không câu nệ. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận một lúc nhiều tôn giáo hay chấp nhận hỗn dung tôn giáo (nhiều gia đình tôi quen biết có hiện tượng trong cùng một gia đình mà theo những tôn giáo khác nhau). Các nhà nghiên cứu cho rằng khi tôn giáo truyền thống vào Nam Bộ, cư dân ở đây đã có sự “tái cấu trúc” lại tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp với điều kiện sống, môi trường sống của mình.
(Tác giả: Hà Vân)

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Một số fact về sách hiện nay

- Nhà sách tồn tại nhiều điều khó hiểu nhất, kiêm luôn nhiều chi nhánh nhất: Nguyễn Văn Cừ (Thành Nghĩa Bookstore).
- Nhà sách to nhất khu vực phía Nam [mình biết]: Nguyễn Văn Cừ Cây Gõ (Thành Nghĩa Bookstore). Địa chỉ: 805 Hồng Bàng, F9, Q6, TPHCM. Trên lầu còn rất rất nhiều sách chưa trưng bày, sân thượng có cả hòn non bộ, nuôi cá, mà nhìn hoang tàn, lên một lần sợ ma muốn chết.
- Nhà sách hoành tráng nhất: Cá Chép (1&2).
- Nhà sách có bề ngoài diễm tình nhất: Nhà sách Văn Lang (hồng quyến rũ).
- Nhà sách nhiều nam thanh nữ tú nhất: Phương Nam Bookstore (940 3/2, F15, Q11, TPHCM).
- Nhà sách có nhiều facebook nhất: FAHASA.
- NXB ra quyển nào là nên đọc quyển đấy [không bổ ngang cũng bổ dọc]: NXB Tri thức.
- Dòng sách "hại não" nhất: Tủ sách tinh hoa (NXB Tri thức) & Omega (Alphabooks).
- Dòng sách văn học cổ điển chọn lọc nên xem: Đông A & Nhã Nam.
- NXB xuất bản nhiều quyển độc nhất: NXB Thuận Hóa.
- NXB ra nhiều sách hay mà kén đối tượng đọc nhất: NXB Đại học quốc gia.
- NXB ra sách phong phú và đa dạng nhất: NXB Trẻ.
- NXB thân thiết với thế hệ thiếu nhi, thanh thiếu niên Việt Nam nhất: NXB Kim Đồng.
- Làm sách có bìa đẹp nhất: Nhã Nam.
- Giá bìa sách [MỚI] hợp túi tiền nhất: Nhã Nam.
- Ký kết độc quyền với tác giả nhiều nhất: Phương Nam Books & NXB Trẻ.

Bài viết mang quan điểm cá nhân.
GĐ,24/12/2015

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Chỉ có mình là nhất

Theo nhà nghiên cứu Nhật Shiba Ryôtarô (1923-1996), một khuynh hướng của người Việt là “xem người dân tộc mình ưu việt so với người dân tộc khác ” .. do đó là một sự cản trở đối với việc học hỏi và chung sống với thế giới. Điều này tôi đã dẫn ra trong bài viết Hội chứng “ít chịu học hỏi” “ tự mình mê mình” ở người Việt đưa trên FB của tôi ngày 27-7-2015.

Trên đường học lại lịch sử VN, tôi rất cảm ơn tập san Nghiên cứu Huế (NCH) của Nguyễn Hữu Châu Phan nơi có hàng loạt bài về xã hội VN qua các thời kỳ lịch sử. Từ số một ra đầu 1999, NCH có in bài Việt Nam vào thế kỷ XIX qua hồi ký của John White, John Crawfurd George Gibson, tác giả là người Anh Patrick J. Honey. Ông này là nhà nghiên cứu kỳ cựu về VN.

Ở tr 221, số NCH nói trên, sau khi nói về nhiều mặt sinh hoat khác của người Việt, Patrick J. Honey có trích một đoạn trong hồi ký của Crawfurd: “ Người Việt rất tự kiêu và tự coi như dân tộc bậc nhất trên thế giới, không cả chịu nhận người Trung Hoa là người hơn mình. Họ coi người Cao Mên là man rợ và đối với người Xiêm La thì cũng chẳng nể nang gì hơn.”

Tôi thấy tin thêm ở các nhận xét loại này, khi nhớ lại một chi tiết trong truyện Tấm Cám, mà trong bài viết về truyên này tháng 10-2015, tôi chưa nhắc tới.Đó là đoạn vua hay hoàng tử cho mọi phụ nữ vào thử hài để tìm cho ra người đẹp. Khi Tấm đến thử, mẹ Cám cũng có mặt ở đấy. Bà ta khinh rẻ Tấm coi thường Tấm không muốn cho Tấm nên người, nên bảo Cám:

"Chuông khánh còn chả ăn ai
Nữa ư mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre."

Ta có thể đoán trong thâm tâm của mẹ Cám, lúc này nảy sinh một cảm giác tự nhiên không cần nghĩ ngợi gì nhiều cứ buột ngay ra. Là sự kiêu căng thấy mình thuộc loại ưu hạng (chuông khánh), còn mọi kẻ khác đều là méo mó nửa đời nửa đoạn( mảnh chĩnh vứt bờ tre).Ngẫu nhiên chăng? Không phải. Quan họ Bắc Ninh cũ cũng có đôi câu phảng phất tinh thần trên:

"Tôi đi khắp bốn phương trời
Không đâu lịch sự như người ở đây"

Rồi thì làng nào khen làng ấy vùng nào khen vùng ấy, cái tinh thần kiêu ngạo lây lan khắp nơi. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, tức “thiên hạ là cứt hết” “chỉ có mình là nhất, chỉ mình mới xứng đáng với những gì cao đẹp” và không còn nghi ngờ gì nữa “mình đây hơn hẳn thiên hạ”.

Lục lại ký ức, một người thất thập như tôi còn thấy đây là một cảm giác thường trực ở người Việt mình trong khi nhìn nhận những gì ngoài mình. Nó cũng ăn vào tâm lý cộng đồng và trở thành một nét tâm lý dân tộc bền vững trong trường kỳ lịch sử, chi phối các cá nhân khi phải xử lý mối quan hệ với người các dân tộc khác.

Lúc còn trẻ con chúng tôi đã được nghe người lớn bảo nhau Ngớ ngẩn như chú Tầu nghe kèn. Lớn lên, ở miền Bắc thì nghe chê Nga ngố. Vào Sài Gòn sau 1975 cũng thấy người dân bảo nhau rằng nhiều khi thằng Mỹ rất dại.

Những gì ta thường tự nghĩ là ẩn kín trong lòng, và chỉ nói với nhau chỗ riêng tư, nhiều người nước ngoài khi tiếp xúc với người Việt, đã nhận ra từ rất sớm.Thế còn tại sao từ các thế kỷ trước người mình lại có lối nghĩ thế này và những biến tướng của nó trong xã hội hiện đại ra sao, đấy là các đề tài tôi sẽ suy nghĩ tiếp.


Vương Trí Nhàn


Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Địa danh Thủ Đức

Dành cho những ai đã, đang và sẽ sinh sống, học tập tại đây một năm, hai năm, ... hoặc đã lâu năm. Thiết nghĩ, đã ở, làm việc tại nơi đâu thì nên rõ về nơi đấy, để không mang tội là bất kính với bậc tiền nhân.


Có nhiều nguồn về địa danh Thủ Đức. Nếu bạn tìm trên wikipedia sẽ thấy nguồn rằng: một ông tướng tên Đức trấn thủ thành nên từ đó gọi là Thủ Đức. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của bản thân, tích này có phần chính xác hơn; và trong tạp chí Xưa và nay cũng có đề cập đến tích này. Ông Tạ Huy (Tạ Dương Minh), hiệu là Thủ Đức, người Minh Hương, lánh nạn đến khu vực này, khai khẩn, lập ấp và xây chợ, đặt tên chợ theo tên hiệu Thủ Đức (ở Sài Gòn, chợ - yếu tố "thị" kinh tế, đi đầu rồi mới tới yếu tố "thành" hành chính). Từ một làng nhỏ, nay, khu vực này trở nên rất sầm uất. Nếu bạn muốn hiểu từ "biệt thự của đại gia" là thế nào thì không chỗ nào phù hợp hơn khu vực Công Lý, Độc Lập, Tự Do, Bác Ái, ... cặp đường Võ Văn Ngân. Công lao người xưa, phải suy và ngẫm.

Trong ảnh: mộ tiền hiền Tạ Dương Minh (xưa, tiền hiền thường là những người có công khai khẩn đất hoang, được vua sắc phong, được nhân dân lập nơi thờ phụng để tưởng nhớ). Từ đầu hẻm ngay KFC trên đường Võ Văn Ngân, đi thẳng gặp ngã quẹo đầu tiên rẽ trái, đi tới một ngã 3 nữa thì trên vách tường bên trái có bảng chỉ dẫn, đi thẳng tiếp sẽ gặp. Chỗ này cách nhà trọ chỗ mình 2 phút đi bộ, nhưng sống ở đây gần 3 năm rồi mới có dịp viếng. Âu cũng là cái sự chung ở đời, khi mỏi gối chồn chân, nơi nao gắn với tuổi thơ không lo nghĩ là cái đích cuối cùng của cuộc đời.

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng : Khách ở chốn nào lại chơi ?
(Hồi hương ngẫu thư - Hạ Tri Chương, Phạm Sĩ Vĩ dịch)
LCĐ,19/6/2014

Lò gốm cổ Hưng Lợi

Để đến được đây là cả một hành trình vất vả, cả về tư duy và thể chất. Phương án cuối cùng được đưa ra là đến thẳng UBND phường để hỏi, hỏi xong cũng không phải dễ dàng mà tìm ra, do di tích không giống lý thuyết trong sách hoặc internet. Lời khuyên là bạn nào sợ ma thì không nên đặt chân đến đây.


Lò được khai quật 2 lần vào năm 1997 và 1998 do bảo tàng lịch sử tại TPHCM thực hiện trong phong trào kỉ niệm 300 năm thành lập SG - TPHCM, đặc biệt là những di tích liên quan đến quá trình hình thành SG - TPHCM

Việc khai quật cho biết lò gốm này được hình thành vào khoảng đầu TK 18, có vị trí cực kỳ đắc điạ nằm giữa ngã 3 kênh: Tàu Hủ - Ruột Ngọa. Lò gốm là lò đất cao 5 - 6 m, chiều dài là 41m, chiều ngang rộng nhất khoảng 16m, trên và xung quanh có nhiều cây keo già nên được gọi là gò cây keo. Lò gốm được chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: chủ yếu sản xuất lu, do đó nó có tên gọi dân gian là lò Lu (nếu bạn muốn tìm hiểu thực địa thì hãy hỏi người dân lò Lu thay vì lò Hưng Lợi).

- Giai đoạn hai: sản xuất các loại sản phẩm gốm và sành men nâu, men vàng và không men. Giai đoạn này có thêm các loại: hủ, khạp, hộp, siêu, nồi có tay cầm, ... dưới đáy khắc 3 chữ Hưng Lợi diêu (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó, là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh làm hay đồng - màu men đặc trưng của "gốm Sài Gòn".

- Giai đoạn ba: sản xuất thêm chén, tô, dĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương... men trắng hoa văn men xanh và men nhiều màu, chai men trắng ngà... Sản phẩm làm bằng bàn xoay, nhiều sản phẩm cải tiến về tạo dáng và hoa văn để nâng cao tính thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng. Giai đoạn này (đầu thế kỷ XX - 1940), do quá trình đô thị hóa ở Chợ Lớn nên các ngành nghề này chuyển dần ra ngoại ô hoặc tỉnh khác. Theo điều tra dân tộc học thì lò gốm ở Lái Thiêu, Biên Hòa có nguồn gốc từ lo Hưng Lợi. 

Khi tìm thấy được di tích, người trẻ đã rất xót xa. Một trong 2 di tích khảo cổ cấp quốc gia ở Sài Gòn mà não nề, u ám, ... nhất là trong một chiều mưa như trút nước. Người trẻ đã lau chùi, vệ sinh lại những bàn thờ tổ, thờ quan công; vái lạy, tiếc là không mang theo nhang đèn.
Phú Định, 22/5/2014

Kê kí minh hĩ

Có trời đâu tối mãi mà không sáng rư ?
Có người đâu ngủ mãi mà không tỉnh rư ?

À ! Thế có. Xem hình thế gần đây năm mươi năm trở lại thiệt là tối mà không sáng, có một trời nước ta mà thôi. Ngủ mãi mà không tỉnh, có một người nước ta mà thôi.

Quái ngán thay ! Lạ lùng thay ! Vừng hồng Đông hải, vẻ mới... Tây Âu, rực rỡ tưng bừng, chói chói lọi lọi, bốn phương trời mà ngó lại nước mình thì thế nào ? Mù lấp non xanh, khói trùm bể bạc. Hơi sầu khí thảm, suốt tháng quanh năm, bóng Phù Tang càng xa xôi, ngựa Hi Hòa càng trông càng quạnh, coi thế mà bảo rằng trời tối mãi mà không sáng không phải hay sao?

Triều đầy khí tủi, dạ bịt màn đen, quốc thể mơ màng, tiền đồ man mác - Người có tai mà điếc, có mắt mà mù, có miệng mà câm. Mõ tiên sư, vắng ngắt chẳng thấy đôi hồi, chuông Phật tổ lặng tanh không một tiếng. Trong thềm ngoài cửa, đầy tai những giọng ngáy khò khò. Gió Đông thổi ào ào, nghe như hình dế hát, sóng Tây Âu sục sục, ngó như hình tép đua, thế mà bảo rằng người ngủ mãi mà không tỉnh, không phải hay sao ?

Than ôi ! Đèn trường dạ phao phao hỏi còn bao nhiêu dầu nữa ? Chắc là dầu đã sắp sửa hết rồi ? Dây đồng hồ chắc cũng sắp đứt ? Cớ sao mà trời vẫn tối đen như thế ? Người vẫn cứ ngủ say thế mãi ?

Nhật Bản có câu rằng:"Hùng kê nhất minh nhi thiên hạ bạch". Con gà trống gáy một tiếng thì thiên hạ sáng rựng.

Sách Mao thi có câu rằng:"Kê kí minh hĩ, đông phương minh hĩ". Nghĩa là gà đã gáy rồi, đông phương đã sáng rồi.

À ! Trời đương tối mà bỗng chốc sáng ngay. Người đương ngủ mà bỗng chốc tỉnh ngay. Bao giờ sáng, kêu người tỉnh tất là phải có một tiếng gà gáy đầu. Vì có tiếng gà gáy đầu mới biết là trời đã gần sáng, có biết trời gần sáng mới xui khiến người trong giấc ngủ mơ màng và thần kinh phách động. Thiêng liêng thay ! Mạnh mẽ thay ! Một tiếng gà gáy mà thiên hạ sáng rựng đó vậy.

(Phan Bội Châu)
Ảnh "Gà gáy" của Lý Khắc Nhu.

Đọc nhiều bài của hai cụ Phan, thấy sao mà họ viết đã vài chục gần trăm năm mà nội dung vẫn còn mang tính thời sự nóng hôi hổi ở hiện tại, lo lắng thay.

Vân Đường phủ

Đây là nhà cụ Vương Hồng Sển, tọa lạc ở số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh, TPHCM. Nhà kiểu năm gian hai trái (chái, kiến văn hạn hẹp, chưa phân biệt được nghĩa), mái lợp ngói âm dương, diện tích áng chừng 15x20m, các chi tiết được chạm khắc rất tinh vi và làm bằng gỗ quý, nhiều chi tiết có tuổi hơn trăm năm (còn được gọi là Vân Đường phủ, Vân Đường là bút hiệu của cụ). Nhưng giờ đây, sự thiếu hiểu biết của con cháu cộng với sự tắc trách của những người có trách nhiệm đã làm ngôi nhà hoang tàn, điêu linh. Những người ở độ tuổi như mình chỉ có thể hoài niệm về một ngôi nhà Nam Bộ cổ qua những hình ảnh xưa.


Trong ảnh là sân trước ngôi nhà hiện tại dùng làm chỗ để xe cho quán nhậu sau nhà. Chủ quán này là chị Vương Hồng Liên Hương, cháu nội cụ. Khi mình xin vào trong nhà tham quan thì thái độ chị không hài lòng cho lắm, mình gọi đĩa sò rồi viện cớ xin đi vệ sinh, lẻn ra sau để chụp một số ảnh. Hẹn một dịp không xa sẽ trình bày rõ ràng hơn những giá trị kiến trúc cổ xưa trên mảnh đất Sài Gòn.

BiTh,28/4/2014

Lăng Võ Di Nguy

Võ Di Nguy là tướng theo phò Nguyễn Ánh từ những ngày đầu. Có lẽ, ông là vị tướng giỏi thủy chiến nhất, sau Nguyễn Văn Trương (1 trong Gia Định ngũ hổ). Ông lập nhiều công lao, sau tử trận do "bị một phát đạn bay đầu liền" trong trận đánh ở cửa Thị Nại. Ông được chôn cất ở Thế Miếu (nằm góc Tây Nam Hoàng thành Huế, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn và những bực công thần), được phong tước Bình Giang quận công. Ở Sài Gòn, lăng ông được đặt ở Phú Nhuận (cùng với nhiều lăng khác như lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, lăng Trương Tấn Bửu, ...), cụ thể số 19, đường Cô Giang.



Lăng có kiểu kiến trúc chỉ dành cho bực công thần, chia thành 2 khu: khu đền thờ phía trước và khu mộ phía sau, được xây bằng hợp chất cổ. Với kiến trúc gồm bình phong trước, bình phong sau, vòng tường bao xung quanh cùng các trụ cột là những thành phần che chắn, bảo vệ cho phần mộ giữa. Mộ được xây dựng có hình chữ nhật xung quanh khắc các đường trang trí và hình tượng "dây lá hóa rồng" đang bay lượn. Khu mộ được đắp nổi nhiều hình tượng và trang trí nhiều mô típ hoa văn độc đáo, sống động: hoa sen, kỳ lân, rồng, hổ, voi, rái cá, tùng lộc, lộc bình, hoa điểu, hoa cúc dây, ... cùng nhiều bài thơ ghi công đức của ông và phu nhân.

Lăng nằm trong một góc thanh tịnh, gần ngã tư Phú Nhuận ồn ào, nào nhiệt. Người giữ lăng là bà cụ (mình không dám hỏi tên) đã sống ở đây hơn 50 năm. Bà kể: "quét tước, cúng tế, ... đều là tiền tư, không có được hỗ trợ gì hết trơn á cháu". Lăng Võ Di Nguy được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993. Cấp quốc gia cơ đấy, ngẫm mà xót.

Nhậu rượu miền Tây

Nhậu là tiếng thanh, không gợi ý thô tục, xem Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, nhậu ghi là uống. Ở Nam Bộ, do phát âm, rượu thường được đọc là "gụ". Do đó nhậu rượu ở Nam Bộ thường được gọi là "uống gụ". Uống gụ ở Nam Bộ dĩ nhiên có những nét khác biệt so với nhiều nơi khác. Xin chia sẻ vài kinh nghiệm "chiến đấu" của bản thân.



Người miền Tây phóng khoáng, cách uống gụ cũng phóng khoáng. Uống theo kiểu xoay tua, nguyên bàn nhậu chỉ có 1 ly, người này uống xong lại chuyền ly. Nếu đông quá thì tăng sô lượng ly nhưng tua vẫn xoay. Có trường hợp 2 ly, 1 ly để xoay tua, còn 1 ly, ai thích thì mời người khác (nguyên nhân mời thì vô vàn: lâu lắm không nhậu cùng, có chuyện gì còn hiềm khích, hay chỉ đơn giản là thích vậy thôi).

Loại ly để uổng ở Nam Bộ thường nhỏ, vì kiểu thích lai rai từ sáng tới chiều, ly lớn quá chịu không nổi. Nếu trong trường hợp nhậu mà ly lớn thì sẽ cưa đôi hoặc cưa ba. Đó là lúc đầu còn tỉnh táo, say vào thì toàn là làm nguyên ly.

Trong bàn nhậu nhất định phải có 1 chủ xị. Chủ xị này thường là chủ nhà hoặc một người uống "cứng" nhất, hoặc được mọi người vọng nể bầu ra. Chủ xị có quyền thưởng phạt, cho qua tua hoặc cho phép giao lưu hay không. Chủ xị còn lo châm rượu đều cho mọi người xoay tua đúng vòng, nhưng nếu nhiều người thì người uống trước rót cho người uống sau.

Cách uống gụ, lưu ý là không được làm đổ rượu (có thể bị phạt uống hết chỗ rượu đó và uống thêm 1 hoặc 3 ly tùy chủ xị), uống ko được chừa long đền (rượu còn dư trong ly). Uống xong thì khà 1 tiếng rõ to, tay vỗ đùi đánh chát, thật sướng cái sự đời. Người miền Tây thường nói "rượu bất khả ép, ép bất khả từ"; nếu không uống được, có thể xin qua tua, ko sao. Nếu ai cầm cưa hoài mà chưa uống thì nhắc khéo bằng câu "Thượng điền tích thủy, hạ điền khang".

Người miền Tây không cân lí do nhậu, đó có thể là đám, sau vụ mùa, niềm hoan hỉ, nổi buồn sầu. Nói vui là vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống. Đó có thể là do tập quán từ xưa, người miền Tây "phá sơn lâm, đâm hà bá", vất vả ở nơi bốn bề đều là rừng thiêng nước độc, chỉ có bầu rượu này là tri âm tri kỷ. Cũng tập quán đó mà mồi ở Nam Bộ rất đa dạng: con cá, con cua, trái xoài, trái cóc... chủ yếu có là để "chữa lửa".

Lưu ý là trước khi nhậu, chủ xị sẽ rót 1 chung, hất xuống đất, gọi là mời thổ địa. Cũng có câu "vào ba ra bảy"; ai đến sau thì phải uống 3 ly gọi là nhập tiệc, muốn về trước thì làm 7 ly. Tàn cuộc nhậu thì ai còn tỉnh nhất sẽ có nhiệm vụ đưa các chiến hữu về nhà an toàn.

Quận Tư giang hồ

Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe câu "Nhất quận 4, nhì quận 8". Nói về thế giới giang hồ khoảng hơn chục năm về trước thì quận 4 là số một. Ở đây mình không bàn sâu về việc đó, mà chỉ xin nói lên cơ bản nguồn gốc của vấn đề.

Theo bản quy hoạch mới của Pháp tàu bè không được neo đậu ở khu vực mé sông đường Quai de Donnai (nay là đường Tôn Đức Thắng) mà phải dời về mé bên quận 4 ngày nay, bắt đầu từ Bến Nhà Rồng ăn về mé Tân Thuận.

Do đặc điểm kinh tế, nên khu vực này phần đông là các thủy thủ, phu khuân vác, lao động tay chân, ... rất nhiều. Bãy Viễn, Trần Quốc Bửu, ... là những cái tên "oai hùng" lúc bấy giờ. Cờ bạc tràn lan, đường Tôn Đản, từ kho Năm đổ xuống kinh Đôi nổi danh nhiều cao bồi, du đãng.

Khu này lại nhiều quán nhậu (đường Lê Văn Linh), nổi danh những quán chuyên về lẩu cá biển nhập tươi sống, ít tiền thì rượu đế với khô cá đuối, cá mập @@.

Lại thêm bọn lính thủy được phép lên bờ ăn chơi. Bọn này thích gái, cờ bạc, đổi đô la và buôn lậu. Hồi này có phong trào hút píp (dọc tẩu), lại thêm cần sa (khởi nguồn của các loại ma túy). Phía cầu Tần Thuận thì nhà cửa thưa thớt, đèn đường mù mờ, nhiều dãy nhà dựng lên để chứa gái.

4 loại tứ đổ tường cùng tồn tại và phát triển mạnh mẽ ở chốn này thì việc giang hồ tụ tập lại, xem như "miền đất Thánh" thì cũng phải là lạ gì.

Kẻ Sĩ Gia Định

Nam Bộ, từ lúc Nguyễn Ánh vào lập căn cứ chống Tây Sơn đến nay, luôn sản sinh ra những thế hệ kẻ sĩ để giải quyết những vấn đề mà lịch sử đặt ra cho dân tộc trên vùng đất mới này.



Đầu tiên, phải nhắc đến nhà giáo, người thầy của Nam Bộ - Võ Trường Toản; Ngô Tòng Châu, Gia định tam gia. rồi vị Tiến sĩ khai khoa Phan Thanh Giản, ... Họ đặt dấu ấn đậm nét trong việc thống nhất bờ cõi của triều Nguyễn và giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội ở miền đất mới, vốn dĩ rối ren, phức tạp.

Khi cái học Nho gia bất lực trước nhiệm vụ cứu nước từ năm 1858, nhưng tinh thần và phong cách kẻ sĩ ở Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Trị, Bùi Hửu Nghĩa, ... vẫn tồn tại trong sinh hoạt xã hội, góp phần làm sinh hoạt xã hội thêm phong phú, đa dạng và để lại những giá trị đến ngày nay.

Những năm 30 của TK XX, ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng, xuất hiện phong trào cộng sản công khai với các hình thức đấu tranh hợp pháp của xã hội dân chủ hiện đại như báo chí, nghị trường, ... đây chính là tiền đề cho sự ra đời của một thế hệ kẻ sĩ mới mang cái học chủ nghĩa học xã hội khoa học như Nguyễn An Ninh, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Hữu Thọ, ... Thế hệ kẻ sĩ này đã cùng nhân dân đấu tranh đi tới đại thắng năm 1975.

Từ năm 1975 đến nay, dù lịch sử đã đặt ra cho dân tộc và quê hương nhiều vấn đề chính trị - xã hội chưa có lời giải, nhưng một thế hệ kẻ sĩ, với nền học vấn và tư tưởng hiện đại trong bối cảnh quốc tế, vẫn chưa xuất hiện; hoặc có xuất hiện thì chưa kết tập lại trên một đường hướng chung nào. Nếu không cố kết lại, thì việc giải quyết các vấn đề mà lịch sử đặt ra sẽ do ai gánh vác ?

P/s: Bài này là lấy của bác Cao Tự Thanh

Địa danh Ba Cụm

Giữa hai sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn có đoạn sông nối. Vì chịu tác động thủy triều của hai con sông, lúc nước xuôi thì tàu thuyền thuận lợi, nước ngược thì cắm thuyền đợi lúc nước thuận. Vì thế nên khúc này, tàu thuyền luôn tấp nập, nhộn nhịp cảnh "trên bến dưới thuyền", hẳn ai cũng tửng nghe bến Bình Đông.

Bấy giờ khoảng giữa thế kỷ 18, đoạn này, "còn nhiều chỗ xưng bá, thuyền cướp tụ tập phá quấy ghe thương hồ, (ngày trước còn để lại tàn tích "bối Ba Cụm")". Ông Nguyễn Cư Trinh (một trong những người có công to lớn nhất ở đất này) nhiều sáng kiến, bày ra lệ bắt thuyền các hạt, bất luận lớn nhỏ, trước mũi phải khai tên họ, quê quán, chủ thuyền, và ghi bộ quan sở tại để tiện tra xét.

Lại nói về Ba Cụm, đây là 1 làng nhỏ ven đoạn sông, nay thuộc xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khu này cùng với Chợ Đệm, Bình Điền, giặc quấy rất ác. Có câu chuyện cổ Nam Bộ về "bối Ba Cụm", đọc cho vui:

"Chiếc ghe cui khẳm đừ. Trên chất rất nhiều hủ đường vàng nghỉnh, loại hủ 20 lít, chuyên đựng đường chảy mà dân gian gọi là đường hủ. Một người ngoài tứ tuần đang chèo từ từ ngắm cảnh tìm mối quen dừng ghe mua ít thứ chạp phô (tạp hoá) nấu bữa cơm chiều. Trước mũi ghe là một cô gái bảnh bao trong bộ bà ba áo lãnh Cẩm Cuống, quần Mỹ A Tân Châu đúng mốt thời thượng, tuổi trạc hăm, mặn mà sắc sảo. Chuyện mấy ông thương hồ chở vợ bé đi buôn cũng là mốt thời thượng. Cô gái mệt mỏi nằm lim dim trước mũi ghe. Gió sông mơn man vén hai tà áo khoe bờ eo trắng nõn.

Đám bối trên bờ theo dõi không bỏ sót chi tiết nào. Thằng bối anh chắt lưỡi: “Con nhỏ ngon cơm quá tụi bây!” Bọn đàn em lao nhao: “Đại ca chỉ thích chuyện ấy! Tụi em đói meo đây nè!” “Lấy đường kìa mà ăn!” “Lấy cái quần Mỹ A kia thích hơn, còn đại ca một phen nhìn được cái trong quần Mỹ A!” Cả bọn cười ầm. Rồi một thằng bối em thì thầm hiến kế. Nó phóng ùm xuống sông. Chẳng biết làm thế nào, cô gái lim dim mơ màng kia la thất thanh và tuột cái quần Mỹ A đạp xuống sông, còn nó cười ha hả lấy cái quần lội vào bờ. Ông lái đường trố mắt ngạc nhiên nhìn cả bọn chỉ biết cười trừ vì rừng nào cọp nấy!

Lên bờ bọn bối kháo nhau: “Mầy làm phép gì vậy?”, tên bối anh cười hì hì: “ Giỏi! Giỏi! Nó lấy cọng mái dầm dốt dốt. Nó ong cho săn (se như xe chỉ), lén đút vào ống quần con nhỏ. Cọng mái dầm vừa trơn vừa lạnh bị bung ra uốn éo như con rắn chui ống quần. Con nhỏ thất kinh tuột quần la hoảng”. Cả bọn thán phục tài thằng bối em mới vào nghề."

3 người thống nhất Nhật Bản

- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy giết nó (1)
- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy vuốt ve nó (2)
- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy chờ đợi nó (3)


Chắc có lẽ nhiều bạn nghe và hiểu câu này. Mình xin mạn phép viết mấy dòng cho một số bạn chưa nghe hoặc chưa rõ nghĩa; đồng thời cũng giúp bản thân ghi nhớ một cách hệ thống hơn.

Đây là 3 câu thơ senryu nổi tiếng viết về tính cách nổi bật của 3 người lãnh đạo có công lớn nhất trong việc thống nhất Nhật Bản.

- Câu (1) viết về Oda Nobunaga (1534 - 1582), ông là người lãnh đạo thứ nhất trong 3 người thống nhất Nhật Bản. "Giết nó" - với tính cách tàn bạo, ông đã đặt nền mống đầu tiên cho việc thống nhất nước Nhật. Đặc biệt, ông thích sử dụng lực lượng đánh thuê để tổ chức lực lượng quân đội của mình. Chính điều này đã giúp ông nhanh chóng thống nhất đất nước, đồng thời cũng là cái kết cho cuộc đời ông. Akechi Mitsuhide, tướng giỏi nhất của ông, đã trở mặt và trong một lần Oda đi chơi tại chùa Honno, Akechi đã dẫn quân đến đốt chùa và bắt Oda tự sát theo nghi thức Seppuku (mổ bụng).


- Câu (2) viết về Toyotomi Hideyoshi (1537 - 1598). Xuất thân từ tầng lớp nông dân, với khả năng ngoại giao, tài thuyết phục tài tình (hay nói khác đi là nịnh bợ), ông đã thống nhất được nước Nhật (về cơ bản). Vế "vuốt ve nó" đã nói lên điều này.


- Câu (3) viết về Tokugawa Ieyasu (1543 - 1616). Ông là người đã hoàn thành việc thống nhất nước Nhật (trên cơ sở hai người trước). Tính cách nhẫn nhục, chờ đợi thời cơ chín muồi chính là điểm mạnh nhất của ông. Chờ đến khi Toyotomi mất, ông mới bắt đầu chiến dịch của mình, và thắng lợi trong trận Sekigahara (năm 1600) đã mở ra thời kỳ mới - thời kỳ của Mạc phủ Tokugawa, kéo dài 268 năm cho đến khi kết thúc bởi chiến tranh Mậu Thìn năm 1868 (tới thời kỳ Minh Trị).

Trong ảnh, từ trái sang lần lượt: Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu. Nguồn ảnh: Samurai Warriors.

Con đò Thủ Thiêm

"Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm"

Xưa, thường có nhiều cô gái làm nghề đưa đò, đón đưa người qua lại giữa hai bờ sông Bến Nghé. "Con đò Thủ Thiêm" là hình ảnh ẩn dụ các cô gái tuổi chưa quá 20 làm nghề này, và để ví khách qua đò có cưa cẩm được các nàng hay ko !

Đường hầm sông Sài Gòn, gọi bình dân là hầm Thủ Thiêm, được khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 21/11/2011, nối 2 bờ Q1 và Q2. Công trình là hạng mục quan trọng của dự án đại lộ Đông - Tây, bên cạnh góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, nó còn có vai trò kinh tế, xã hội, kiến trúc cảnh quan quan trọng đối với TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

"Ve con đó Thủ Thiêm" đã khó, mà nay công trình này hoàn thành thì khó chồng thêm khăn. Đã 21 mùa xuân đi qua mà nó chưa ve được con đò nào.

SG,27/6/2014

Suối nguồn - Ayn Rand

Như đã hứa hôm trước, tôi đã dành thời gian đọc hết gần 1200 trang quyển Suối nguồn để ngoài nêu ra những lỗi về mặt lập luận, sẽ chỉ ra cách hiểu nội dung sách chưa đúng của tác giả một bài viết trên Book Hunter. Tôi sẽ chỉ ra những lỗi đó ở phần đầu và phần cảm nhận của tôi sau khi đọc xong quyển sách ở phần sau.
A: Phản biện bài viết “Suối nguồn và sự hỗn loạn, kệch cỡm của xã hội Việt Nam hiện nay”: (http://bookhunterclub.com/suoi-nguon-va-su-hon-loan-kech-com-cua-xa-hoi-viet-nam-hien-nay/).
Về cách lập luận, đây là điểm sai lầm chí mạng của tác giả.
1) “Tôi nghĩ tới bối cảnh của “Suối nguồn” và dường như nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay.”
2) “Tôi không dùng xã hội để nó về quyển sách, tôi đang dùng quyển sách để bình luận xã hội. Và điều đó hoàn toàn chính đáng”.
Một xã hội, ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử, sẽ có những hoàn cảnh khác nhau. Điều sai lầm chúng ta thường mắc phải khi học lịch sử là máy móc cho rằng: học lịch sử để tránh khỏi những sai lầm đã gặp phải trong quá khứ. Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết trong quyển Tôi tự học (Một quyển sách mà quan điểm của tôi là bất kỳ thanh niên nào cũng nên đọc): “Thực ra những sự kiện lịch sử thường chỉ có giá trị của những tài liệu lịch sử mà thôi, chứ tự nó ít có ý nghĩa để dùng làm bài học”.
Vấn đề ở đây là tác giả dùng một quyển sách viết cách đây khoảng 70 năm ở Hoa Kỳ và “dùng quyển sách để bình luận xã hội”, xã hội Việt Nam 70 năm sau khi quyển sách lần đầu ra mắt (1943). Nữa là, ở phần đầu (1), tác giả chỉ dám nhẹ nhàng dùng “DƯỜNG NHƯ nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay”, tức là tác giả chưa hiểu hết, chưa dám khẳng định, nhưng đến kết luận (2) thì lại bảo “điều đó hoàn toàn chính đáng”. Tôi hiểu ý tác giả, nhưng anh ta đã dùng từ không chuẩn và lập luận không có cơ sở, tôi chỉ ra. Chúng ta có thể dùng một chi tiết trong quyển sách để làm ví dụ cho một vấn đề thực tiễn đất nước hiện nay [hoặc ngược lại dùng một vấn đề thực tiển liên lạc với một chi tiết trong tác phẩm văn học], nhưng chắc chắn ta không được dùng quyển sách để khẳng định về xã hội, điều đó là không “hoàn toàn chính đáng” (như tác giả dùng từ).
Về lỗi trong câu từ, trong suốt bài viết, tác giả “thể hiện sự hiểu biết của mình” bằng khá nhiều lỗi lỗi chính tả, câu cú (từ ngữ "dao to búa lớn", câu cú rườm rà, không có ý nghĩa) cũng như những lỗi lập luận nhỏ khác (lập luận cùn, lập luận có tính áp đặt cá nhân). Dưới đây chỉ là lướt sơ qua bài:
1) “Ngay từ lần đầu tiên đọc “Suối nguồn” đã trở thành cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi” (chủ ngữ là “Suối nguồn” hay “lần đầu tiên đọc Suối nguồn”).
2) “Tôi từng nói về việc Howard Roak nhân vật chính là một vị thần theo đúng nghĩa tinh thần của từ “thần”” (lỗi tương tự (1)).
3) “Chúng ta đang sản sinh ra một tầng lớp nhà giàu mới, những người giàu rất nhanh, những người mà có lẽ theo lý lẽ thông thường thì không xứng đáng để giàu(nhưng đây là thực tế ai lại nói chuyện xứng đáng hay không, không thiếu những chuyện kỳ lạ vẫn xảy ra trên cõi đời này)” (Xin cho hỏi lý lẽ nào làm cho họ không được giàu ?).
4) “Là cả một hệ thống truyền thông để đưa tên tuổi cô lên.” (Một câu riêng lẻ được à ?)
5) “Hơn nữa sự cao ngạo của cá nhân sẽ giết chết mọi phòng trào.” (Lập luận cùn).
6) “Bạn muốn hiểu rõ bộ mặt của chính chúng ta hiện nay, hãy đọc “Suối nguồn” bạn sẽ thấy vị trí của mình trong đó.” (Chắc tác giả nói mình, chứ tôi đọc xong thì tôi không thấy mình trong đó, xin đừng khẳng định điều gì về người khác).
Có thể cảm nhận một điều là người viết bài trên rất yêu thích tác phẩm này, đến mức gần như phát cuồng khi cho rằng "không có một từ nào là thừa thãi". Tôi võ đoán rằng niềm "tôn sùng" này có được từ cảm giác chinh phục gần 1200 trang sách. Có nhiều quyển sách chưa đến trăm trang nhưng đọc khó hiểu gấp trăm, nghìn lần Suối nguồn. Vấn đề không phải là ở số giấy tiêu tốn để làm ra một quyển sách, mà là ở số chất xám làm ra nó.
Tóm lại, người viết muốn làm một điều tốt nhỏ bé cho xã hội, nhưng không có được nền tảng lập luận đủ mạnh và chưa hiểu được triết lý đơn giản của Suối nguồn dẫn đến bài viết không rõ ràng, thiếu thuyết phục, và kệch cỡm. Lúc trước, khi xem bài, tôi thắc mắc vì sao bài kém thế này lại được đăng trên Book Hunter (BH). Tìm kiếm trên facebook một hồi, ra là tác giả viết xong tag thẳng founder BH vào. Chị founder cmt một dòng cụt ngủn, không cảm xúc: “…(tên một admin BH), đăng bài này lên web cho chị”.
Cho dù liệt người viết vào trong list "hippy xã hội chủ nghĩa" của mình, nhưng tôi vẫn đánh giá tốt những nỗ lực của người viết.
B: Cảm nhận của riêng tôi về quyển Suối nguồn
Một cảm giác mà anh Nguyễn Danh Lam đồng tình với tôi là đọc Suối nguồn giống như xem một bộ phim. Anh Lam thì bảo giống phim Oshin, "khó chịu đến gai người bởi sự đẹp bằng được, xấu bằng được của nó". Tôi thì cho rằng nó giống phim Hàn Quốc (ít nhân vật, các nhân vật có mối quan hệ đan xen nhau, các tình huống được sắp đặt chủ quan theo ý tác giả dẫn đến có phần khá thô, bất hợp lý, dễ dàng suy ra đoạn kết "ở hiền gặp lành").
5 nhân vật chính của tác phẩm gồm:
1) Howard Roark: kiến trúc sư thực tài, theo chủ nghĩa vị kỷ, biểu tượng cho khái niệm "siêu nhân" của Nietzsche, tức là những "kẻ mạnh bứt phá ra khỏi sự trói buộc của quan niệm đạo đức truyền thống, có ý chí quyền lực dối dào và bản năng sự sống kiện toàn. “Siêu nhân” là kẻ phá hoại đối với tất cả giá trị cũ. Siêu nhân là người có ý chí sắt đá, không hề nào núng, từng giờ từng phút chinh phục môi trường và chinh phục bản thân. Đồng thời, họ coi cuộc sống tràn đầy sự đấu tranh này là niềm vui và sự hưởng thụ" (Tinh hoa tư tưởng mọi thời đại - Trần Giang Sơn).
2) Peter Keating: kiến trúc sư tài năng, hình mẫu đáng mơ ước (đẹp trai, có tài, giàu có, vị thế xã hội,...) nhưng trái ngược như Roark, anh sẵn lòng bán rẻ những hiểu biết về kiến trúc và cả linh hồn mình để làm khách hàng hài lòng, dù là với một thứ kiến trúc lai căng.
3) Dominique Francon: một tạo vật kì diệu, ngời phụ nữ hoàn hảo, theo đuổi lý tưởng hoàn hảo, sẵn sàng làm vật hiến tế cho sự hoàn hảo. Đây là nhân vật phức tạp nhất. Tác giả xây dựng nhân vật này như là một hiện thân của các giá trị tinh thần mà con người khát khao đạt đến.
4) Ellsworth Toohey: nhà báo của tờ "Ngọn cờ", kẻ giật dây cho tiểu thuyết. Nhiều người cho rằng Keating - Roark là trái ngược nhau, nhưng bản thân nghĩ Toohey - Roark mới là đại diện tương phản chính xác nhất. Ông là đại diện tiêu biểu cực đoan nhất cho chủ nghĩa vị nhân sinh, lợi dụng chủa nghĩa vị nhân sinh một cách hèn hạ nhất, nhìn thấu tâm can người khác, luôn ẩn mình đằng sau mọi âm mưu, thủ đoạn.
5) Gail Wynand: tỷ phú Hoa Kỳ, chủ báo "Ngọn cờ", bạn thân của Roark. Ông là người nhìn thấu được bản chất con người, bản chất xã hội lúc bấy giờ, và đạt gần đến tầm vóc của Roark nhất, nhưng thay vì chọn cách như Roark, ông làm mọi điều ngược lại. Nếu Roark là thần thánh thì Wynand phải là là Atula.
Về nội dung: qua những câu chuyện về kiến trúc, tác giả mô tả xã hội Mỹ giai đoạn vào khoảng sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến sau cuộc đại suy thoái, một xã hội thối nát, giả tạo. Nhà văn không biết viết, họa sĩ không vẽ tranh, kiến trúc sư không xây dựng, ... nhưng được dựng lên như những thần tượng bởi bệ đỡ là tờ Ngọn cờ, tờ báo vận hành bởi bọn bồi bút. Công chúng cũng thế, đọc một quyển sách chỉ vì ai cũng đọc, hoặc nhiều người đã đọc, hoặc có ai đã khen nó, không có tư duy phản biện cần thiết. Tất cả tạo nên những tồn tại thứ sinh trong một hiện thực thứ sinh.
Cái hay của tác phẩm, theo tôi, có lẽ nằm ở từng trang sách. Với cách viết "ghi âm và chụp ảnh", tác giả khiến người đọc tưởng tượng ra khung cảnh (với cảnh vật, âm thanh) nhân vật đang ở vào, làm người đọc như được đứng cạnh nhân vật, thấy được, nghe được, cảm được những điều mà nhân vật trong sách thấy, nghe, cảm. Hầu như giở ra bất kỳ trang sách nào cũng thấy được như vậy, suốt 1200 trang, thật công phu. Điều đó chứng tỏ năng lực quan sát và tưởng tượng của tác giả rất mạnh, và có lẽ trải nghiệm cuộc sống cũng phải phong phú không kém cạnh.
Nếu bạn chọn cách đọc kĩ càng, thấm thía từng câu văn trong Suối nguồn thì hẳn đó là một điều hết sức vất vả. Nhiều đoạn, phải thành thực rằng, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu, và nhiều đoạn thì tôi gọi là "chỉ đọc chữ". Cái mạch cảm xúc và lời đối thoại trong một số đoạn rất khó hiểu, không theo kịp, nhất là nhân vật Dominique và Toohey. Nhưng ngược lại, cái triết lý toàn bộ tác phẩm thì rất dễ nhận ra: tác giả đề cao chủ nghĩa vị kỷ (egoism) và hạ thấp, lên án chủ nghĩa vị nhân sinh (humanitarianism - không biết là chính xác không).
Hai dòng dưới đây là cách tôi hiểu lập luận của tác giả về quan điểm của bà:
1) Vị kỷ: Người làm việc với bộ óc độc lập của anh ta > Người sáng tạo > Người có cái tôi > Mối quan hệ với con người là thứ yếu > Sống cuộc sống của mình để vẫn là người sáng tạo để đạt những thành tựu vinh quang của loài người.
2) Vị nhân sinh: Kẻ sống dựa và những bộ óc của người khác > Kẻ ăn bám > Kẻ không có cái tôi > Đặt người khác lên trên bản thân mình > Sống thứ sinh, củng cố quan hệ của hắn đối với những người nuôi sống hắn (nuôi sống vật chất và tinh thần).
Tiếp đà, tác giả cho trận đấu giữa vị kỷ - vị nhân sinh được khoác lên một cái tên mới cá nhân - tập thể. Cần biết rằng, chủ nghĩa tập thể có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc. Dễ dàng nhận ra tác giả đã căm ghét chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến bực nào (vì bà đã trải qua cuộc sống trong và sau CMT10 Nga).
"Tất cả những cơn ác mông trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh" (Howard Roark).
Nếu bạn hỏi tôi có nên đọc quyển này không thì tôi sẽ không ngần ngại đáp rằng không nên. Nếu chỉ muốn nắm triết lý cơ bản của sách thì bạn chỉ cần xem khoảng 14 trang, từ trang 1145 - 1159 (tôi dùng bản của NXB Trẻ 2010).
Tìm thông tin để viết bài này, thấy rất nhiều bạn (nhất là trên THĐP) xem Suối nguồn "như một quyển Kinh Thánh". Một thông tin mà tôi biết nhưng không kiểm chứng được: người đã có công mang tác phẩm này về Việt Nam thừa nhận việc phổ biến Suối nguồn là một sai lầm lớn thời "sửu nhi" của anh ấy. Không biết các bạn nghĩ thế nào.
(Bài yếu)|GĐ,21/12/2015