Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Belle (Paris by night 69)

Thằng gù:

Nàng là một nhan sắc tuyệt thế giữa nhân gian
Nàng là bông hoa mỹ miều hóa công đã ban tặng ôi !
Như cánh chim tuyệt vời giữa xuân ngời rực rỡ khung trời
Tôi thấy đang mở rộng dưới chân mình địa ngục tăm tối
Hồn tôi đắm đuối với nét khoe tươi đượm trên áo nàng
Ngàn muôn giáo huấn tín ngưỡng bông dưng phai tàn
Ai nào ai dám nói đứng trước dung nhan nàng ko rung động
là đang nói dối giấu diếm con tim khát khao vô vọng.
Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng
đan ngón tay vào dòng tóc êm đềm tựa suối thiên đàng.

Linh mục:

Nàng là phàm nhân hay thế thân lũ yêu ma
Nàng làm cho tôi đã bội ước trước ngai thiên tòa Chúa
Tôi đã nghe lòng mình khát khao phàm trần đến không ngờ
bên thánh nhan cực trọng mắt tôi chẳng còn nhận ra nữa
Nàng đang quyến rũ khi chốn thiên cung chìm trong cõi tội
Hồn tôi chới với giữa thế gian này với quê trên trời
Nàng thản nhiên đứng đó với những ai đang tìm vui giữa đàng
mà như thánh giá cứu rỗi nhân loại đã trao cho nàng
Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng
Vung cánh tay mở rộng lối đi vào cửa ngõ thiên đàng.

Người lính:

Nàng từ trong đôi mắt ẩn chưa biết bao mê hoặc
Nàng từ thâm sâu có còn đó khiến trinh nguyên vẹn ?
Ôi ! Đôi gót chân nàng giày xéo địa ngục lẫn thiên đàng
Tôi thấy thiên thần quỷ dữ đang cùng dìu nhau đi tới
Và tôi đã muốn nhắm mắt xuôi theo niềm vui thế trần
Lòng trung tín nghĩa hãy cứ cho tôi lãng quên một lần
Ai nào ai dám nói mắt đã quay đi vừa khi thấy nàng
Thì thôi mắt đó đã không còn thấy chi rõ ràng
Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng
nhặt cánh hóa đượm mật giữa khu vườn tình ái trong nàng.

Tất cả:

Hồn tôi đắm đuối với nét khoe tươi gợn trong áo nàng
Ngàn muôn giáo huấn tín ngưỡng đức tin bỗng dưng phai tàn
Ai nào ai dám nói đứng trước dung nhan nàng ko rung động
là đang nói dối giấu diếm con tim khát khao vô vọng
Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng
Đan ngón tay vào dòng tóc êm đếm tựa suối thiên đàng ... tựa suối thiên đàng.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Belle (lời Việt)

Quasimodo:
Đẹp (Belle)
Thế gian này dường như chỉ có một từ dành trọn cho nàng
Khi nàng nhảy múa thân hình nàng hiện ra
Tựa như cánh chim trời sải rộng ra, tự do bay tới trời xanh
Phải chăng địa ngục đang mở ra ngay dưới chân tôi
Đôi mắt này đắm đuối nới bộ váy du mục của nàng
Giờ tôi còn cầu nguyện Đức mẹ làm gì nữa đây ?
Kẻ nào
Là người đầu tiên xuống tay buộc tội nàng
Kẻ tội đồ đó không xứng đáng được sống trên cõi đời này
Ôi van nài Quỷ vương… Xin hãy cho tôi một lần thôi
Được trượt những ngón tay này qua làn tóc nàng Esmeralda.

Frollo: 
Đẹp
Nàng ta liệu có phải quỷ dữ hiện thân
Để quyến rũ ta khỏi Chúa trời Thượng đế
Ai làm ta mê mẩn bởi những ham muốn trần tục này
Ngăn ta hướng đến trời cao trên kia
Nàng ta mang trong mình nguồn gốc của mọi tội lỗi
Lòng ham muốn có đẩy ta thành kẻ tội đồ độc ác hay không ?
Thân xác ấy biết bao kẻ xem thường như gái điếm trên đường phố
Bất chợt trở thành bất hạnh của loài người
Ôi Đức mẹ nhân từ… Hãy cho phép con một lần thôi
Được chạm tay hé mở cánh cửa dẫn vào khu vườn của nàng Esmeralda.

Phoebus:
Đẹp
Ẩn sau đôi mắt đen to làm mê đắm lòng người ấy
Nàng vẫn còn là trinh nữ hay không ?
Đất trời quanh tôi chao đảo theo từng bước nhảy của nàng
Ôi thân hình nàng dưới lớp váy mang sắc màu của cầu vồng ấy
Hỡi người yêu dấu… Xin cho tôi một lần được gian dối
Trước khi tôi cùng nàng đứng trước giáo đường
Ai
Người đàn ông nào có thể ngăn mình khỏi sự quyến rũ của nàng ?
Có chăng vì sợ hãi, rằng quỹ dữ sẽ biến mình thành tượng đá
Ôi nàng Fleur de Lys
Anh không phải là người có đức tin
Anh sẽ hái những bông hoa tình ái của nàng Esmeralda.

All:
[Đôi mắt tôi đắm đuối nới bộ váy du mục của nàng
Vậy tôi còn cầu nguyện Đức mẹ làm gì nữa đây ?
Kẻ nào
Là người đầu tiên xuống tay buộc tội nàng
Kẻ tội đồ đó không xứng đáng được sống tiếp trên cõi đời này
Ôi van nài Quỷ vương… Ôi! Xin hãy cho tôi một lần thôi
Được trượt những ngón tay này qua làn tóc nàng Esmeralda.

Esmeralda.]

Nguồn: Kites
Link youtube: https://www.youtube.com/watch?v=-XB7aftz6zY

Đây là một trong những đoạn mình thích nhất của vở nhạc kịch Notre Dame de Paris, bên cạnh Le temps des cathedrales (Gringoire)

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Buồn cuối năm

Những ngày cuối năm Bính Thân, trời se lạnh. Cái Tết cận kề, có lẽ đây là cái Tết tôi không trông đợi nhất, nếu không muốn nói là tốt hơn không nên có cái Tết này. Tôi chắc chắn sẽ đối mặt với muôn vàn câu hỏi mà đáp án trả lời hay nhất là chỉ biết mỉm cười. Trống rỗng, hụt hẫng chưa phải là từ thể hiện rõ tâm trạng này. Tôi không trống rỗng, hụt hẫng. Tôi chỉ cần một thứ có thể tràn đầy tâm hồn mình để vơi đi cái quái quỷ gì đó đang ngự trị sâu thẳm trong tâm hồn mà tôi chưa biết gọi tên.

Cái thứ dễ dàng lấp đầy thể xác và qua đó khiến tâm hồn con người ta rộn ràng dễ dàng nhất chính là tiền bạc. Tiền bạc rủng rỉnh túi thung thăng dạo chơi phố phường những ngày này làm con người ta thoải mái tâm hồn lắm, mặt nhìn ai tươi cười thì chắc chắn họ đang dư dả. Tôi chẳng được thế. Nếu nói là cạn túi thì không hẳn, nhưng không có đồng vào đồng ra, cứ vơi dần, và có lẽ ngày cuối năm sẽ không còn đồng nào.

Vì thất nghiệp nên thế. Cái này mới đau khổ nhất. Nhìn quanh quẩn bạn bè, không việc cao thì cũng việc bình thường, chỉ riêng ta thì vẫn nằm nhà chờ chực cơm mẹ, mà cơm mẹ ăn cũng không ngon vì mùi cơm có lẫn mùi ái ngại. Bác tôi, dù không còn nhìn thấy hay đi đứng được vì tiểu đường giai đoạn cuối, cũng cố gắng dùng mối quan hệ cũ xin cho một vị trí ở huyện. Cô thì bảo xuống làm phụ công ty dưới bãi cát. Tôi không vâng lời họ. Tôi không phải là không tìm được một công việc. Tôi đang chờ đợi một thứ khác.

Miền Tây cuối năm là khoảng thời gian nhà nông nhàn rỗi, dựng vợ gã chồng cho con cái mình. Và con cái họ thì cỡ lứa tuổi tôi. Tiền đã ít cứ vơi đi theo từng đám, cộng thêm nhìn thấy đôi lứa bạn bè hạnh phúc, dù là trong cơn chè chén say sưa còn thấy tủi, nỗi buồn dễ thấu hiểu của những kẻ cô đơn.

Là kẻ đọc sách, cái khổ của việc thiếu thốn tình tiền vẫn là chịu đựng được, vì chí ít còn có thể diễn giải bằng lý luận. Cái mớ lý luận đó, những tưởng nó là thứ cứu vớt cái tâm hồn thiếu thốn của mình, nhưng tôi lầm to; cái dằn vặt trong tâm khảm về những tri thức thu nhặt nhưng không tiêu hóa hoặc lạc lõng trên con đường tri thức mới thật kinh khủng làm sao. Những giáo lý cũ mâu thuẫn với điều nhận thức mới, những giá trị cũ không còn phù hợp trong những điều kiện xã hội mới, hoặc chính những tri thức tự chúng mâu thuẫn, đấu đá nhau trong tâm trí kẻ tài hèn sực mọn, nhọc người làm sao.

Không có một nắm tiền, cũng không có một chút tình, tôi chỉ còn một mớ tri thức hỗn độn không dùng được vào việc gì. Cuối năm, rỗng tuếch.

"Sinh niên bất mãn bách
Thường hoài thiên tuế ưu"

GĐ, 23/01/2016

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885 (Yoshiharu Tsuboi)

Triều Nguyễn, với vai trò là triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, để lại nhiều tư liệu nhất, cả tư liệu chữ viết và tư liệu hiện vật, cũng như gây ra tranh cãi nhiều nhất đối với giới học thuật ở cả trong và ngoài nước. Chối bỏ lịch sử cũng chính là góp phần tạo nên lịch sử. Bánh xe lịch sử đã xoay, việc nhìn nhận lại để đánh giá khách quan và đúc kết là cần thiết. Quyển sách này làm rất tốt vai trò đó.

Viết cảm nhận về một quyển sách đề tài lịch sử trong giới hạn 700 chữ là một công việc khó khăn. Trong giới hạn bài viết, tôi không có tham vọng trình bày mọi cảm nhận, đánh giá của bản thân vì như vậy, nó chắc chắn phải vượt hơn con số quy định. Nhưng trong khuôn khổ cuộc thi này, bản thân nghĩ việc giới thiệu lí do ta cần tìm đọc sách này là thực tế, cần thiết hơn dù nhu cầu và sở thích ở mỗi người có khác biệt, cũng như trước người viết, nhiều vị đã làm tốt hơn rất nhiều. Xin được mạn phép.

Vấn đề đầu tiên ta đặt ra khi xem quyển sách này chính là tại sao tác giả lại chọn giai đoạn 1847 – 1885. Giáo sư G.Condominas gọi đây là thời kỳ “mấu chốt” (période cruciale), nó vừa phản ánh kết quả của những sự lựa chọn trước đó, vừa là giai đoạn đưa ra những quyết định then chốt, mà đó là nguyên nhân tạo nên kết quả ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.

Giáo trình lịch sử phổ thông cung cấp cho ta một số nét đại lược về giai đoạn này: Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) năm 1858; 1859 Pháp tấn công Gia Định,… Sự kháng cự yếu ớt của vua quan triều Nguyễn qua việc kí kết hiệp ước Nhâm Tuất 1862, hòa ước Giáp Tuất 1874, hòa ước Giáp Thân 1884 đưa nước ta từ một quốc gia độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhìn chung, nó cung cấp một cái nhìn phiến diện về sự bất tài, vô dụng của vua quan nhà Nguyễn.

Tác phẩm là luận án tiến sĩ (công trình khoa học) được tác giả trình bày lại dưới hình thức một quyển sách mà như lời nhà văn Nguyên Ngọc “gần như dưới dạng một tiểu thuyết”. Dưới góc nhìn khách quan của một nhà sử học Nhật Bản, bối cảnh nước Đại Nam được phác họa sinh động bằng những con người, những hành động, quyết định, xen vào đó là những mưu mô, toan tính, đó là một chuỗi những sự kiện liên tiếp “là phải như thế”; sự thất bại của nước ta mang tính tất yếu, là định mệnh dân tộc mà triều Nguyễn chỉ là một bánh răng trong khối động cơ “bản thể xã hội” đó. Sự thất bại mà cụ Phan Châu Trinh sau này đã tìm ra được nguyên nhân cốt lõi là “trong văn hóa” (lời cự Hoàng Xuân Hãn).

Khi được hỏi về Việt Nam giai đoạn hiện nay, GS Tsuboi cho rằng có nhiều nét tương đồng với giai đoạn mà ông đề cập trong quyển sách; tuy nhiên có hai điểm khác biệt tiến bộ hơn: tầng lớp trung lưu (tầng lớp văn thân ngày xưa) có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn và thế hệ trẻ Việt Nam ông gặp hầu như đều có kiến thức và khá cấp tiến. Ông đặt nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam.

Bài học có thể cũ nhưng nếu không học thì khó mà tiếp thu bài mới.

Cuối lời, một cảm xúc cá nhân, đó là lời cảm ơn đối với một sự kết hợp tuyệt vời Nhã Nam - Tri thức, có thể liệt kê: Khuyến học, sách của bác Tạ Chí Đại Trường. Hy vọng trong tương lai, sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho độc giả.


GĐ,12/01/2016

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Đường sách và sự lan tỏa tri thức

Sáng rày, nhiều bạn check in đường sách trước giờ khai mạc thấy trong lòng nôn nao. Với nhiều người, khánh thành đường sách không ảnh hưởng đến việc mua và đọc sách; nhưng đường sách mở ra, chúng ta, nhất là người trẻ, sẽ có thêm một địa chỉ văn hóa ngay bên cạnh không gian kiến trúc - lịch sử - du lịch nhộn nhịp nhất Sài Gòn, một công tiện đôi ba đường.
Trước đó, Green & Brown Bookstore, một mô hình nhà sách "3 in 1" (nhà sách - thư viện - cà phê) mở ra ở Đà Nẵng, mang đến những trải nghiệm mới cho người dân sông Hàn. Bên cạnh đó, không ồn ào, nhiều hiệu sách nhỏ hơn âm thầm tồn tại và chia sẻ nguồn tri thức đến nhiều người ở các thành phố lớn. Và để tri thức được lan tỏa đến mọi vùng, dự án Sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch gây chú ý và nhận được sự ủng hộ rất nhiều.
Cuối cùng, phải kể đến những cố gắng của một nhóm "tinh hoa xã hội". Họ bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức thực tâm muốn phát triển đất nước, trước hết, thông qua các hình thức sinh hoạt học thuật mà gần đây là cuộc thi hội luận xã hội về tư tưởng Phan Chu Trinh trong bối cảnh ngày nay (do Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Giáo dục và Đời sống Xã hội (SocialLife) phối hợp cùng với Trường Đại học Hoa Sen và Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tổ chức).
Dễ nhận ra, hiện nay có rất nhiều nỗ lực từ các cá nhân, tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, mà cụ thể là cho giới trẻ. Tuy nhiên, họ không tạo ra nhiều tiếng vang trong xã hội hơn so với những doanh nhân, nghệ sĩ, có lẽ đó là thiên tính chăng; như ngọn nước đầu nguồn, lặng lẽ và bao dung, lan tỏa dòng tri thức của mình tới mọi nơi, mang nguồn sống tinh khiết cho những ai cần nó.
Một dân tộc đã đau khổ nhiều trong quá khứ nếu muốn tiếp tục duy trì sự đau khổ đó thì đơn giản là chỉ cần tiếp tục nghĩ những gì họ vẫn đang nghĩ, làm những gì họ vẫn đang làm. Sự thay đổi to lớn nào mà không bắt nguồn từ những biến đổi nhỏ, ở từng cá nhân. Mỗi người cần tự ý thức làm thế nào để trước hết tử tế với bản thân mình, rồi tử tế với mọi người tùy theo khả năng từng người.
Kẻ tài hèn sức mọn, nho gia hủ lậu chỉ biết ghi vài dòng để lương tâm bớt bứt rứt, cho tâm hồn thanh thản một vài trống canh.
15h tại đường Nguyễn Văn Bình nhé.
NâuC,09/01/2016

Điều ưng nhất từ khi chuyển trọ

Từ khi chuyển nhà trọ, khoản mình ưng nhất chính là cafe. Quán cafe dạng take away cuối con đường nhỏ nhỏ xinh xinh và bình yên trong một quận rộng lớn, náo nhiệt như Bình Thạnh.
- Từ chỗ mình ra chỉ cách vài bước chân, thuận lợi thứ nhất.
- Quán nhỏ, đa số là khách quen nên uống vài lần thì xem như biết hết mặt nhau. Giữa Sài Gòn rộng lớn, điều này xem như cái hay thứ hai.
- Anh chủ quán thì thôi rồi, xăm đầy mình nhưng luôn hài hước, và rất ư là thích móc họng khách hàng :)). Khách thường nói đùa:"Hiếu ơi, mày bán cafe rồi còn bán cần câu chi vậy? Móc họng khách quài mạy" Hehe !
- Là khách quen, đôi khi mình ngồi hằng giờ, kỉ lục là 12 tiếng liền. Mỗi khi có công việc, cả việc công hay việc tư, mình đều chọn nơi này làm "điểm tập kết". "Alo, em/bạn/mày/... tới coffee chỗ abcxyz nha", kiểu thế.
- Như đã nói ở thuận lợi thứ hai, nơi này có rất nhiều thành phần, trong đó có khá nhiều trí thức. Thỉnh thoảng, chỉ cần ngồi uống cafe và rít điếu thuốc, nghe họ nói chuyện, mình cảm thấy như "thâu tóm hết tình hình thời sự trong nước và quốc tế" :)).

Nhà trọ đã lắp wifi, nhưng mình vẫn thường ra đây, thứ nhất là để cafe và thứ hai là để có động lực làm bài tập hơn (ở nhà nằm ườn hay bị ngủ quên lắm). Thi thoảng, mình vẫn nghĩ, dù hơi cực đoan, không dùng cafe và hút thuốc là một thiếu sót lớn của đời sinh viên.

Ghi chú này là để kể một nét khái quát về tháng đầu tiên chuyển trọ. Ông bà ta đã nói "an cư rồi mới lạc nghiệp", tháng đầu tiên xem như đã ổn định, tạo tiền đề cho năm học cuối cùng đời sinh viên, hết sức gian nan và lắm biến chuyển.
BTh, 22/9/2014

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chiếc áo bà ba

Chiếc áo bà ba mà phụ nữ Nam bộ thường mặc có nguồn gốc từ đâu ?
Ngoài vải, vật dụng bằng sắt, tơ lụa, á phiện (từ Ấn độ), người Bà Ba (tức người Mã Lai lai Trung Hoa) còn mang đến ta sản phẩm đặt dấu ấn đến tận ngày nay. Với bản tính năng động, nhận thấy kiểu áo phù hợp với lối sinh hoạt và khí hậu quanh năm nóng bức, người Nam bộ mau chóng tiếp thu và cải biến để nó dần trở thành chiếc áo truyền thống.
"Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba". Một quan niệm khác lại cho rằng "Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây".
Ngoài ra, theo Sơn Nam, chiếc khăn rằn cũng là sản phẩm của phụ nữ Mã Lai (chứ không phải Khmer) như lâu nay ta vẫn nghĩ.
Một sản phẩm khác của sự liên lạc giữa ta (cụ thể là vùng Cái Mơn) và Mã Lai chính là trái cây. Có thể kể đến một số loại trái cây mà ta du nhập từ Mã Lai như: măng cụt, chôm chôm, bòn bon,...
Ngoài ra, khoảng thập niên 60 thế kỷ XX, một số nhà khảo cổ học uy tín (phần lớn là Mỹ) bắt đầu đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam [và Đông Nam Á[ có phải chỉ là những chi nhánh của hai nền văn hóa lớn Trung Hoa và Ấn Độ.