Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Băn khoăn

Nếu như Hồn bướm mơ tiên (HBMT) là tiểu thuyết đầu tiên, thì Băn khoăn là quyển sau cùng của Khái Hưng viết. Hôm nay, tôi đọc trọn Băn khoăn, và sau cùng đã rã nó thành một mớ giấy vụn, như để giải nỗi băn khoăn trong lòng, dù hiệu quả chẳng là bao.
HBMT chỉ nói đến tình yêu thuần khiết, yêu nhau trong tinh thần mà không cần đoàn viên, còn ái tình của Băn khoăn đa dạng và phong phú hơn: đó là cái ái tình kiểu mẫu của Lan Hương với Cảnh, hoặc của Oanh và Bản; đó là ái tình vụng trộm, thỏa cái cảm giác bệnh hoạn được cắm sừng bạn của Cảnh và Liên, mà đỉnh cao của nó là cái ái tình của cùng hai cha con và một người phụ nữ tên Hảo.
Theo một người anh tôi quen, khái niệm tình yêu không xuất hiện trước Shakepeare. Và ở Việt Nam, tình yêu, theo nghĩa chân chính của nó, chưa xuất hiện cho đến khi phong trào thơ mới, cùng với tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn ra đời.
"Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi...". Đấy là câu Hoài Thanh - Hoài Chân dẫn lời ông Lưu Trọng Lư trong Thi nhân Việt Nam khi nói đến sự ảnh hưởng của phương Tây lên tâm hồn ta, trong ái tình nói riêng.
Nhưng nỗi băn khoăn ở đây của Khái Hưng rộng rãi hơn cái ái tình nhiều. Dù chỉ giới hạn không gian của tiểu thuyết trong tầng lớp tư sản, cũng như chỉ đề cập vài nét biến đổi xã hội, nhưng ta hiểu nỗi băn khoăn của tác giả chính là nỗi băn khoăn thời đại, "vì chúng ta vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ Việt mới" (Dương Nghiễm Mậu).

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Nhà giả kim, hay là cuốn sách của những biểu tượng

Tôi đọc Nhà giả kim khá muộn so với độ tuổi mà tôi cho là nên đọc nó. Nói là quá muộn vì tôi hầu như đã "nếm" mọi thứ Santiago trải qua trong cuộc "hành trình biểu tượng": ước mơ một cuộc sống với đàn cừu, từ bỏ đàn cừu tìm kiếm một cơ hội, bị gạt sach tiền, làm việc ở tiệm pha lê, tiếp tục cuộc hành trình, gặp gỡ nàng Fatima. Là muộn, vì cảm xúc quá đủ để tìm thấy mình trong văn, một chút thiếu thốn cảm xúc sẽ tạo nhiều cảm giác khơi gợi.

Xuyên suốt cuộc hành trình đi tìm mục đích cuộc đời của Santiago là một chuỗi các hình ảnh, sự kiện, nhân vật mang tính biểu tượng tiếp nối nhau: một chàng thanh niên ước mơ chu du thế giới với biểu tượng đàn cừu, tìm ra gợi ý về mục đích cuộc đời, từ bỏ vòng tròn an toàn, dấn thân, nỗi đau và sự bế tắc đầu đời, trong tử lộ tìm ra đường cứu sinh ở tiệm pha lê, tích lũy đủ để tiếp tục giấc mơ đi tìm mục đích cuộc đời, gặp phải những trở ngại tiếp theo, tìm ra được tình yêu lý tưởng, gặp "người dẫn dắt" cuộc đời mình và cuối cùng đạt được mục tiêu.

Vì mang một giá trị phổ quát như vậy, dễ đọc, dễ cảm với "trong văn có chất thơ" nên Nhà giả kim trở thành một quyển "nên tìm đọc" trong nhiều bảng xếp hạng.
Nhưng nếu sử dụng tiêu chí "dấu vết lưu lại" để đánh giá, tức là khi đọc xong một tiểu thuyết nó còn đọng lại trong tâm trí ta, ngự trị ở đó, thỉnh thoảng dày vò ta khi gặp ngoại cảnh cùng tần số, thì Nhà giả kim không phải một quyển tiểu thuyết hay, với cảm nhận riêng tôi. Cái cảm giác "trôi" tuột đi cả về cảm xúc, lời văn, nội dung là cảm giác khi tôi gập quyển sách lại.
Nhưng tôi vẫn vui lòng trả lời "Có" khi ai đó hỏi tôi có nên đọc Nhà giả kim hay không.
----------------------
Viết cho Góc sách - The Book Corner, với anh chủ dễ thương.
GĐ|11/10/16