Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Từ cải cách giáo dục ở Phần Lan nghĩ về chuyên ngành Đô thị học (Urban Studies)

Tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông có đăng tin về sự thay đổi lớn trong giáo dục ở Phần Lan. Theo đó, học sinh sẽ không còn học các môn riêng lẻ như toán học, vật lý, lịch sử, địa lý,…; thay vào đó, các em sẽ học các môn này theo “chủ đề hiện tượng”. Xin được trích ví dụ từ bài báo trên Vnexpress đăng ngày 03/4/2015 
“Chẳng hạn, khi học chủ đề Liên minh châu Âu, những kiến thức về kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý của các quốc gia thành viên, sẽ được lồng ghép vào bài dạy.”
Như đã biết, Phần Lan là đất nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới; và những nhà giáo dục của Phần Lan, lẽ dĩ nhiên là những chuyên gia hàng đầu. Việc thay đổi như vậy không phải từ những ý nghĩ đột xuất của một cá nhân hay nhóm xã hội nào; chắc chắn nó đã được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trở thành phương pháp, hệ thống giáo dục quốc gia. Bản thân người viết hoàn toàn ủng hộ và yêu thích.

Vậy cải cách đó có gì liên quan tới chuyên ngành Đô thị học. Phần tiếp sau chắc chắn không giải thích hoàn toàn thỏa đáng câu hỏi trên; đó chỉ là những suy nghĩ, những hiểu biết pha chút nào đấy tình cảm cá nhân của người viết; bạn đọc thấy sai chỗ nào, chỉnh chỗ đấy, mắc cỡ gì.

Như đã biết, để đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, khoa học đã phát triển theo hướng phân chia thành ngành và chuyên ngành. Sự phân ngành của các ngành khoa học xã hội và nhân văn diễn ra từ những năm 90 của TK XVIII. Người ta cho rằng, mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào đó của thế giới và chúng được coi là một chỉnh thể cần phải nghiên cứu độc lập. Các chuyên ngành xác định ranh giới rõ ràng và tồn tại một cách bình đẳng. Trong đó, mỗi chuyên ngành lại hình thành cho mình những chương trình, những khái niệm, nội dung, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, các lĩnh vực chuyên sâu,...


Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các học thuyết khoa học xã hội mới trong TK XIX - XX, đặc biệt là quan điểm duy vật biện chứng của Các Mác đã phủ định xu hướng này. Các khoa học gia cho rằng, những hình thức mới của tri thức đòi hỏi phải có những bộ khung kiến tạo tri thức mới. Họ đã thách thức tính cục bộ của các khoa học chuyên ngành trong việc khép kín quy trình nhận thức. Và thực tiễn đã được giải quyết dựa trên quan điểm này, qua đó chứng minh tính liên ngành trong khoa học là đúng đắn và chân chính.

Một trong những đặc điểm của chuyên ngành Đô thị học mà tất cả SINH VIÊN ĐÔ THỊ (và có lẽ là cả những học sinh THPT có nguyện vọng thi vào ngành) đều biết rõ chính là tính liên ngành: môi trường đô thị, kinh tế học đô thị, xã hội học đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị, đô thị học đại cương,...

Để làm rõ điều này, trước tiên ta hãy tìm đến khái niệm về đô thị. Khái niệm kinh điển về đô thị mà tất cả chúng ta khi học môn Đô thị học đại cương đều nhớ rất rõ: "Tập hợp một nhóm người đông, sống, làm việc, sinh hoạt trên lãnh thổ hạn chế (mật độ dân số cao), hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tối thiểu 65%".

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM

Nhắc lại khái niệm để nhớ, thật ra, xét đến cùng đô thị, dù lớn hay nhỏ, loại đặc biệt hay loại V (theo phân loại như nghị định số 42/2009/NĐ-CP), cũng đồng thời là:
Không gian vật thể
Không gian kinh tế
Không gian văn hóa – xã hội

Do vậy, khi giải quyết bất kỳ bài toán nào trong đô thị, người ta không thể sử dụng đơn thuần khoa học kinh tế hay thuần khoa học xã hội. Đô thị, là nơi giao thoa giữa các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị nên việc sử dụng các giải pháp, khoa học mang tính tổng hợp, liên ngành là đòi hỏi tất yếu.

Chính việc phải giải quyết bài toán đô thị bằng tư duy tổng hợp và liên ngành, nên cơ quan quản lý nhà nước về đô thị phải là nơi tập trung các chuyên gia về nhiều ngành: kinh tế, chính trị, kiến trúc – xây dựng, xã hội, văn hóa, giáo dục, … Những chính sách, những giải pháp đô thị cũng phải được đánh giá, nghiên cứu kĩ lưỡng trên cơ sở tranh luận, trao đổi và thống nhất giữa các chuyên gia với nhau.

Nói xuôi phải nói ngược. Chính sách, giải pháp đô thị đã được các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị đưa ra, tức là ít nhiều đã được bàn bạc, trao đổi, thống nhất giữa các chuyên gia. Việc đánh giá những chính sách, giải pháp đó cũng phải dựa trên tư duy tổng hợp và liên ngành, không phải chỉ tùy vào cảm giác chủ quan, duy ý chí hoặc sử dụng đơn thuần một khoa học nào đánh giá; làm như vậy là phản khoa học, đi ngược lại xu hướng khoa học hiện đại.

Bỏ qua những yếu tố về thể chế chính trị, cơ cấu xã hội, năng lực cá nhân,… nếu chỉ xét đơn thuần về mặt khoa học, người viết tin rằng: Đô thị học (Urban Studies) là một khoa học hiện đại, chân chính, cấp thiết (đối với hoàn cảnh đất nước hiện tại), và đầy tiềm năng. Nếu bạn đã, đang hoặc sẽ trở thành thành viên của nó, bạn chắc chắn phải vững tin, từ tận đáy lòng.

GĐ, 06/4/2015

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Về chốn quen cũ

Tắp xe lên lề đường, hãm phanh, dừng xe. Tôi mở cốp, lấy trong xe một điếu thuốc, và với một động tác nhanh nhạy quen thuộc, điếu thuốc đã bắt lửa trên môi tôi. Tôi kéo hơi đầu tiên thật sâu rồi từ từ nhả ra làn khói trắng xóa. Với một động tác nhanh nhẹn khác, tôi chộp lấy cuốn sổ và cây bút, loại bút kiến trúc độ dày nét 0,1. Tôi muốn chép lại cảm xúc này ngay bây giờ, vì tôi sợ thằng trí trong thằng Trí sẽ phản bội tôi ngay sau cái thời khắc hiện tại.

Viết lách, có thể là nghiệp của kẻ cầm bút, là con điếm mà thằng bồi bút lôi lên giường làm tình ngày đêm khi hắn có nhu cầu, là sở thích của kẻ mang tinh thần bệnh hoạn,... Nhưng thiên tính của nó thì mãi không thay đổi: giãi bày những chất chứa trong lòng.

Tôi trở lại đấy vào một tối trời mưa không nặng hạt, nhưng đủ làm cả người run lên vì lạnh, cái lạnh của nước mưa thấm qua áo vào da thịt. Đã thấy mây đen vần vũ từ xa, nhưng cả cái vô thức lẫn hữu thức đều bắt buộc bản thân không thể dừng xe quay đầu lại.

Cũng như yêu một cô gái, không phải vì cổ đẹp, xinh hoặc thông minh; là bởi những tính chất đó mang tính phổ quát, tức có rất nhiều cô gái có những tính chất trên; điều quan trọng chính là cảm giác, cái đặc thù mà cô gái đó mang lại cho ta, cái cảm giác mà không một cô gái nào khác có thể mang đến cho ta, chỉ riêng nàng mà thôi. Về cảm giác đó, ở những người khác nhau là không giống nhau. Về góc phố quen cũng vậy.

Góc phố quen, nơi tôi có thể lựa chọn vào một cafe DJ phù phiếm gọi một ly Long Island, trong ánh đèn mờ ảo làm lộng lẫy, lung linh những đường cong căng mộng, đầy nhựa sống hoặc thưởng thức một ly trà nghi ngút khói ở một trà quán đậm chất Huế với nhân viên nữ trong tà áo dài tím đằm thắm hỏi:"quỵ khạch dùng chi ạ?", hay thông thường nhất là một đĩa chân gà, hai chai bia ở một quán lề đường, quán không tên mà tôi thường gọi quán anh bê đê.

Tôi rẽ xe vào chốn không gian phù phiếm. Đó không phải tâm tính của tôi, mà bởi chỉ vì nơi đó có sự hòa quyện quyến rũ giữa hai mùi hương sứ trắng và cau trắng, từ ngôi biệt thự kín cổng cao tường tọa lạc tại địa chỉ số 9 đường CL. Cái cảm giác dễ chịu hoàn toàn, trong làn sương ẩm của cơn mưa vừa tan, hòa quyện thành một thể hơi hoàn hảo, dìu dịu đưa nhẹ vào mũi, làm thân thể nhẹ nhàng, thanh thoát, trầm mặc.


Dừng bút vì nó không còn mực, và đôi môi thì đang bỏng rát khi tàn thuốc đã cận kề. Tôi châm thêm một điếu nữa, và rút từ cốp cây bút chì. Tiếp tục, vừa ngồi trên xe vừa viết, dưới những giọt mưa vương trên lá, rớt xuống và tiếng nhạc từ quán cafe Pha Lê đối diện đang xập xình.

Tôi bắt đầu quan sát xung quanh vì bên trong đã trống rỗng. Chín trên mười chiếc xe gần nhất tôi thấy là có hai người, có nam có nữ. Vẫn như ngày xưa, nơi đây không dành cho những kẻ cô đơn, lạc lõng. Nhưng biết làm sao, cái cảm giác lạc lõng cho tôi nhiều cảm giác mà tôi vẫn đang thích thú tận hưởng, dù trong một vài khoảng, nó làm tôi đau nhói.

Hai kẻ đi bộ ngược lối nhau, nhưng đều nhìn tôi với cùng đôi mắt lạ lẫm. Quần kaki, áo sơ mi dài tay cài nút, mang giày tây, một kẻ đang ngồi ghi chú những dòng gì không rõ ràng, vì chữ hắn xấu quá.

Bên kia đường, ba bạn trẻ, một nam hai nữ, vừa dừng xe để thảo luận xem nơi đâu ăn chơi gần và ngon. Bụng tôi thì cồn cào, réo rắt, đòi hỏi phải chiều lòng nó. "Mày đợi tao tí đã", tôi vỗ ve nó, an ủi.

Tôi chọn ra ngoài, để thấy vật đổi sao dời, để lắng nghe âm thanh cuộc sống, để hít thở không khí có lẫn mùi hương quen thuộc, để tiếp xúc với thế giới. Tôi chọn ra ngoài để từ mắt thấy, tai nghe, tôi lại nghĩ, tôi cảm giác, hoài nghi, vui sướng, ưu sầu, lo toan, dằn vặt, mặc cảm,... để tôi thay đổi cái tinh thần hai màu đen trắng của mình, để tôi biết mình còn hiện hữu với thế giới này.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Nói một chút về nút like

Được chú ý, được quan tâm, được chia sẻ, có lí do nào khác ngoài những điều vừa kể đã tạo một áp lực vô hình có giá trị 150/100 mmHg và buộc bạn phải chia sẻ thông tin, kiến thức, xúc cảm bản thân với mọi người, cụ thể ở đây là một vài dòng trạng thái trên Facebook? Hẳn là không. Điều đó không khó hiểu vì những nhu cầu đó tồn tại hiển nhiên trong mỗi chúng ta, và chúng nằm ở những tầng bậc cao trong tháp nhu cầu Maslow. Bài viết dưới đây, người viết muốn chia sẻ góc nhìn chủ quan về một góc độ hẹp trong việc sử dụng mạng xã hội (MXH) của bản thân và một số người mà tác giả quen biết.

Một kiểu like

Hơn trăm năm trước, ở đế quốc Nga, một tầng lớp người được hình thành với những ngoại hình, tính cách, suy nghĩ rất đặc trưng. Họ đại diện cho một kiểu người đã được nhà văn Chekhov miêu tả qua nhân vật Belikov; kiểu người trong bao duy trì những mối quan hệ thông qua cách thức hết sức kỳ quặc: đi hết nhà này đến nhà khác "kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn chung quanh như tìm kiếm vật gì". Về bản chất, kiểu duy trì mối quan hệ đó, ngoài nguyên nhân không gian lịch sử bức bối, ngột ngạt dưới chế độ Nga hoàng, có nguyên nhân sâu xa nằm ở sự yếu đuối của tâm hồn. Sự yếu đuối về tâm hồn được thể hiện ra ngoài bằng những hành động thô thiển, lố bịch.

Một trăm năm sau, trong không gian lịch sử khác, vẫn bức bối, ngột ngạt, sự yếu đuối trong tâm hồn được diễn ra dưới một hình thức khác, thông qua việc sử dụng MXH, một hình thức like mà tôi gọi là like thảo mai (hoặc like Belikov). Đặc trưng cơ bản của hình thức này: việc nhấn nút like có nhiệm vụ cao cả là duy trì mối quan hệ và thông báo về sự tồn tại của ta với những ai đó.

Nút like và sự độc lập của ta

Khi ấn nút like một trạng thái nào đó, tức là bạn đang đặt một mối quan hệ với đối tượng kia. Tuy nhiên, sự thân thiết của một mối quan hệ lại không phụ thuộc vào tần suất nút like. Dạo này, mình có một thí nghiệm nho nhỏ trên facebook: không nhấn nút like trong một thời gian, tức là ngăn mình giao tiếp với những mối quan hệ trên không gian mạng xã hội.

Nếu bạn đã xem Naruto, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói ở đây dễ dàng hơn. Ý mình là về Naruto và Sasuke, hai nhân vật đại diện cho hai cách ứng xử trong các mối quan hệ xung quanh. Nếu Naruto tìm sự mạnh mẽ ở những mối quan hệ bạn bè, người thân xung quanh mình, thì Sasuke, ngược lại, tìm kiếm sức mạnh ở chính bản thân mình. Sasuke muốn độc lập, muốn đứng một mình, mạnh mẽ và ngạo mạn. Và mình đang nhìn vấn đề ở đây theo cách của Sasuke.

Những mối quan hệ chiếm một phần trong trái tim và tâm hồn ta, và khi xem xét một vấn đề, ta phải tìm đến ngăn chứa của mối quan hệ, mở ra và cân nhắc, đắn đo. Khi chúng ta càng đặt mình vào nhiều mối quan hệ, ta yếu đuối dần đi, một cách tương đối. Một bằng chứng khá hiển hiện cho luận điểm này: những người đi làm thường ít đăng status (ít chia sẻ) hơn so với trước đây, có phải là do họ độc lập hơn (ít nhất là trên lĩnh vực tài chính).

Ứng xử ra sao trong thế giới ảo này

Nhu cầu sử dụng MXH của mỗi người là không giống nhau, và trong mỗi người nói riêng, tâm tính ở những thời kỳ khác nhau, là rất khác. Vì vậy chúng ta có các cách thức sử dụng MXH khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và tâm tính bản thân, đồng thời mỗi người tạo ra cho bản thân một cộng đồng bạn bè phù hợp với nhu cầu và tâm tính đó.

Như vậy, sự áp đặt suy nghĩ và cách thức sử dụng MXH là một điều điên rồ. Ở đây, mình không muốn nhận gạch đá xây nhà, mà chỉ muốn đề cập một số biểu hiện về cách sử dụng nút like mà tôi thấy nghịch lý:

- Không like những gì bạn bè thân thiết nhất của ta chia sẻ.
- Tại sao cùng một thông tin nhưng bạn lại like trạng thái của người này mà không phải của người kia.
- Tại sao bạn lại like của những người mà bạn biết chắc chắn rằng họ không biết bạn là ai.
- Like dạo, like vô tội vạ khi chưa cần biết nội dung bài đăng.
- Tự like bài đăng bản thân.
- ...
Nhưng sẽ chẳng có gì là nghịch lý nếu quy nó về tâm tính cá nhân.

Những cái kết

- Với nhiệm cụ cứu rỗi những linh hồn tìm kiếm sức mạnh, nút like thực sự đã tạo ra một tôn giáo của riêng nó, với số lượng tín đồ cao nhất thế giới.
- Qua cách thức sử dụng MXH, ta thường đánh giá về một con người, đó là một sai lầm kinh khủng. những gì bạn thấy họ trên MXH là những gì họ muốn cho bạn thấy về họ. Cuộc sống của họ không nằm hoàn toàn trên MXH.
- Chúng ta sẽ nói về MXH như là một thử thách cho tính độc lập cá nhân của mỗi ta.

Tóm lại, mình thấy câu này có thể tóm gọn lại cách ứng xử của chúng ta với nút like:"Tôi là một người đàn ông đơn giản, tôi thấy gái đẹp, tôi like. Tôi là một người đàn ông phức tạp, tôi thấy gái đăng status có nhiều chất xám, tôi like. Nhưng, có sự phức tạp nào không bắt đầu từ những điều đon giản. Tóm lại, tôi like cái mẹ gì thì kệ tôi". Vâng, mình tôn trọng sự đa dạng của thế giới.

Như mọi lần, bài viết là quan điểm của tác giả và dù gì, tác giả bài viết cũng cần được chia sẻ :)).

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Nàng (II)

"Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi". Bạn bè đã về hết, chỉ còn tôi và nàng ngồi đối diện nhau, trước mặt là 2 ly bia đã cạn.
"Em nói đi, anh đang nghe đây!" - Tôi bảo nàng.
***
Năm tiếng trước, lúc tan học về, nàng nhắn tôi, ngắn gọn và súc tích:"Anh! 7h, uống bia quán cũ, em buồn".
***
"Em chia tay bạn trai rồi" - giọng nàng ảo não, mi mắt nàng kéo xuống, khép khép.

Tôi im lặng, kinh nghiệm cho tôi biết rằng, mọi thứ tôi nói trong tình huống này đều là trái khoáy. Một khoảng im lặng, tôi lặng lẽ rót bia vào ly cho cả hai. Làm động tác nâng ly, tôi uống cạn ly bia đầy của mình, và đặt ly xuống. Nàng cũng vậy. Tửu lượng nàng tốt hơn tôi.

"Uống tí nữa rồi đi theo anh!"
Nàng im lặng, gật đầu. Trong hơi men chếch choáng, cái khẽ gật của nàng rất là đáng yêu.

Tôi để vô thức dẫn dắt đường đi của chiếc xe máy mà tôi và nàng đang ngồi trên. Ngay chính đêm đó, tôi còn không nhớ rõ mình và nàng đã chạy xe đến tận đâu, có lẽ vì tôi say, mà cũng không hẳn, vì tâm trí tôi dành cả cho nàng.

"I drive all night, to keep her warm. And time is frozen."

Nàng vòng tay qua ngực tôi. Dừng nó trước khi kết thành một cái ôm, tôi bảo nàng đừng làm thế, chúng ta chỉ là bạn.

Lúc vít hết tay ga tìm cảm giác, khi chầm chậm lắng nghe giọng trầm ấm của nàng, người con gái Bảo Lộc. Nàng kể, tôi nghe, thi thoảng chêm vài lời an ủi. Chỉ đơn giản có thế, nhưng chân thành.

Sau đêm ấy, thái độ của nàng với tôi khá đặc biệt. Một thời gian sau, trong một cơn say, nàng inbox tôi, tỏ tình. Nhưng tiếc là, nàng đến không đúng lúc vì tôi chưa muốn đặt mình trong một sự kìm hãm của một mối quan hệ tình yêu. "Anh muốn uống với em, như là hai người bạn hơn".

Sau này, nàng có bạn trai mới, nhưng vẫn thường trách tôi quá vô tâm, sao không cho nàng một cơ hội nào. Tôi chỉ biết mỉm cười mỗi khi thế và nói với nàng rằng:"Trong những người con gái anh quen, anh thích uống cùng em nhất". Tôi biết con tim mình nó thế nào.

Tôi và nàng còn uống với nhau nhiều lần nữa, vì chúng tôi cùng sở thích ăn chân gà nướng và uống bia. Nhưng những ly bia lần đó có hương vị riêng biệt, hương vị của một người con gái đang thất tình trong hiện tại và sẽ thất tình một lần nữa trong tương lai.