Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Nàng (1)

Với kinh nghiệm đối ẩm cùng phụ nữ không ít, tôi vẫn đinh ninh: con gái khi say, chỉ có hai dạng, hoặc khóc sướt mướt vì những nỗi buồn thầm kín chôn giấu bấy lâu, hoặc cười luôn miệng vì một nguyên nhân chỉ họ mới hiểu. Nàng, người con gái làm cho tôi biết rằng tôi sai, rằng còn có ít nhất một dạng thứ ba.

Nàng, từng là học sinh chuyên văn ở một trường chuyên nổi tiếng của thành phố, và tôi biết nhau qua vài ông anh chung. Những người con gái học trường này đi ngang qua đời tôi đều để lại những dấu vết khó phai nhạt trong tâm trí; và nàng không phải một ngoại lệ. Một cách tình cờ, tôi và nàng có cơ hội hiểu nhau hơn trong một tháng tình nguyện ở Tây nguyên.

Nàng và tôi khá dè dặt về nhau, lúc ban đầu. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng, đối phương là những người sống trong tâm hồn mình nhiều hơn là những gì biểu hiện ra ngoài. Một loại ngầm hiểu, không ai nói ra, nhưng qua những nụ cười ẩn ý, những hành động vô thức, chúng tôi cảm được. Biểu hiện rõ ràng nhất mà cả hai có thể cùng làm để đối phương nhận diện:"Tôi và bạn đều là cung Cự Giải, nha".


Nàng là một người mãnh liệt, dữ dội như dòng sông mà người lái đò sông Đà chinh phục, và tinh tế, phức tạp như tâm lý của Kiều khi trao duyên, ấy là về tình cảm. Chuyện tình cảm của nàng, tôi hiểu. Sau này, chính nàng thừa nhận, chỉ tâm sự được với tôi, vì tôi nắm câu chuyện, cảm thông với nàng, và hay ho nhất, có thể là cầu nối cho những tình cảm nàng đến được nơi nó cần phải đến. Khi nàng tỏ bày, chúng tôi không bao giờ dùng từ ngữ trực tiếp của vấn đề, chỉ đơn thuần là những cụm từ, những câu nói ẩn dụ, những ngôn ngữ riêng mà chỉ chúng tôi hiểu, như chính cái hiểu mà bọn tôi ngầm cảm về nhau.

Đó là đêm cận ngày cuối trước khi một tháng chiến dịch tình nguyện kết thúc, và mười bảy người bọn tôi quyết định sẽ thật say, thật thỏa chí một bữa, trải hết bầu tâm sự cho nhau. Tôi biết, lúc đó, nàng buồn. Trở về Sài gòn, người con trai mà nàng yêu nồng nhiệt sẽ không còn là của nàng. Sẽ không còn là cái gối ôm ấm áp trong khí trời cắt da thịt của núi rừng Tây nguyên những ngày dầm dề mưa, sẽ không còn là cảm giác thích thú, gây nghiện của những lọn tóc xoăn xoáy tít vào mắt, mũi, miệng và da thịt, sẽ không còn mùi hơi nhục dục thôi thúc con thú ẩn sâu trong vùng tăm tối đáy con tim, sẽ không còn nhiều thứ khác, sẽ không còn gì cả, sẽ không còn...

Trước buổi tối ấy, tôi bảo nàng:"Tối nay thật say, nhé T...!" Nàng mỉm cười, khẽ gật.

Là luật, nếu tôi muốn hỏi nàng một câu và nàng muốn hỏi tôi một câu (dĩ nhiên là đối phương chỉ có lựa chọn là trả lời thành thật) chúng tôi sẽ uống mỗi người 6 ly. Chúng tôi uống mỗi người 12 ly. Rượu nếp gần 40 độ mà nàng uống ngọt tựa Singapore Sling. Rồi ly thứ 13, 14,... 20, 21... đến một con số cụ thể nào đó mà nó sẽ mãi mãi là bí ẩn trong suốt phần đời còn lại của chúng tôi.

Là kẻ say sưa nhiều lần, tôi biết cái trạng thái túy lúy của tôi và nàng là giống nhau, không đủ để nhớ đầu đuôi tất cả mọi việc, nhưng chưa đến mức xem mọi sự diễn ra như là trong một giấc mơ. Một điều chắc chắn, chúng tôi phải rất say. Thế mà, nàng uống, uống, và ngồi đó một cách bình tĩnh lạ thường. Không một chuyển động nhỏ nhất nào trên khuôn mặt của nàng làm ta hình dung tới nỗi buồn mà nàng đang chịu đựng. Nàng say, nàng không cười cũng chẳng khóc, nàng tự chủ. Tôi vẫn in hằn trong tâm trí khuôn mặt đó của nàng. Nàng đã cho tôi lại cái cảm giác như khi tôi đọc "Buổi dạ tiệc" của Mona Gardner.

Và chi tiết cuối, chúng tôi cùng nhớ: Tôi cùng nàng, khoác vai nhau, dìu nhau đến chỗ ngủ, nằm cạnh nhau, như hai người anh em.

Vào buổi sáng hôm sau, tôi mở mắt ra, đập vào mắt tôi đầu tiên là đôi mắt nàng, to tròn và long lanh, đang nhìn tôi. Cả hai chúng tôi, như thường lệ, trao cho nhau những nụ cười đầy ẩn ý, và, tôi xoa đầu nàng, nàng thích được như vậy.

Nàng, một người con gái kỳ lạ đi ngang qua đời tôi. Cảm giác kỳ lạ trên mức tình bạn, nhưng chắc chắn không phải là tình yêu. Chúng tôi gọi cái mối quan hệ lạ kỳ đó chỉ bằng từ ngữ thô thiển "bạn nhậu".


Ngôn ngữ - vỏ của tư duy

Thuở hồng hoang, khi con người trao đổi, diễn tả với nhau bằng những âm thanh ú ớ, những cử động chân tay. Dần dần, những âm thanh được phân biệt, mang ý nghĩa khác nhau, đó là tiền đề ra đời của tiếng nói. Nhưng tiếng nói chỉ phát ra tức thời, không lưu giữ lại được, từ đó phát sinh ra nhu cầu cần có một cái gì đó để lưu giữ lại những âm thanh, cử động. Và, chữ viết ra đời. Tiếng nói dùng trong sinh hoạt, còn chữ viết là một dạng vật thể. Do đó, tiếng nói có trước, quan trọng hơn chữ viết, là khởi nguồn, và độc lập cho chữ viết. Và chữ viết, tùy theo diễn đạt âm thanh hay cử động mà phân ra chỉ ý hoặc chỉ âm.
(Mở rộng một tí, thực ra chữ viết chỉ là một dạng mã hóa của tiếng nói, được hiểu thông qua thị giác. Một số kiểu mã hóa khác mà con người dùng các giác quan còn lại để hiểu tiếng nói như: chữ nổi (xúc giác), huýt sáo (thính giác),...
Nhờ có ngôn ngữ, con người có thể diễn đạt được tình và ý của mình cho nhau. Và cũng nhờ ngôn ngữ, con người bắt đầu định nghĩa những gì diễn ra ngoài thế giới và trong tinh thần mình một cách mạch lạc, rõ ràng. Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể cảm xúc, tư duy và hành động trong phạm vi ngôn ngữ của bản thân. Ví dụ, khi tim ta chùng xuống, nặng trĩu, cảm giác bị thắt ở lồng ngực, nhoi nhói, ta biết đó là buồn; hoặc khi ta thấy môi hai người nam nữ chạm vào nhau, lưỡi cuốn vào với lưỡi, ta biết đấy gọi là hôn kiểu Pháp, tiếng dân dã gọi là ăn cháo lưỡi. Đó chính là khả năng hiểu thế giới và chính chúng ta của ngôn ngữ; và ngôn ngữ được gọi là vỏ của tư duy.
Vì vậy, người có khả năng ngôn ngữ thường có tư duy tốt hơn so với người ít có khả năng ngôn ngữ, là vì họ có khả năng diễn đạt những gì diễn ra xung quanh mình và bên trong họ bằng hệ thống ngôn ngữ trong họ (vốn được trau dồi tốt hơn). Nhưng nói như thế không có nghĩa là người ít có khả năng ngôn ngữ có tư duy không tốt. Khả năng ngôn ngữ tốt chỉ là điều kiện cần để có một tư duy tốt, ngoài ra, để tư duy tốt, còn cần các yếu tố khác như: sự vận dụng linh hoạt vốn ngôn ngữ (khả năng liên kết), sự tưởng tượng,... Một nhà văn giỏi, vì đơn thuần ông chọn lọc, sắp xếp và tưởng tượng các phần tử trong hệ thống ngôn ngữ của mình một cách hợp lý, tài tình, chạm được vào đôi mắt, con tim và bộ não độc giả.
Như đã nhấn mạnh ở trên, mỗi người chúng ta cảm giác, tư duy và hành động trong khả năng ngôn ngữ của mình. Vì vậy, tư duy của người học triết sẽ là rất khó hiểu đối với nhiều người trong chúng ta, vì họ có cả một kho từ (ngôn ngữ học gọi là hình vị) mà chúng ta hiếm khi dùng: tư biện, ý niệm, biện chứng, siêu hình, thực chứng,... hoặc cả những hình vị giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác khi chúng được sử dụng trong triết học. Anh nhà báo có tư duy của anh nhà báo vì có cả một khái niệm "ngôn ngữ báo chí" cơ mà. Anh ngôn ngữ Nga, Tây Ban Nha thì có tư duy của... một anh Việt Nam học ngoại ngữ. :)) (đoạn này tôi viết cho một số người bạn tôi, không đọc cũng không ảnh hưởng đến nội dung toàn bài).
Ngôn ngữ Việt, do vận mệnh lịch sử, được hình thành dựa trên thế chân vạc của: tiếng Việt - chữ Nho - chữ Abc, là một ngôn ngữ đặc biệt. Đặc biệt như thế nào thì ta phải tìm hiểu sâu vào từng yếu tố trong 3 yếu tố kia, mà trong hạn chế của bài viết, tôi không có khả năng trình bày. Lưu ý ở đây rằng, chữ Nho không phải là chữ Hán và chữ Nho không phải là của Nho giáo. Tôi lưu ý ở đây vì rằng sẽ có người nói học chữ Nho là "thân Tàu". Và nói thêm ở đây, tôi cổ xúy việc học chữ 1000 chữ Hán cơ bàn ở cấp bậc phổ thông. "Người Việt nào hô hào loại bỏ hết chữ Nho trong tiếng Việt không những vô ý thức mà còn phản bội công trình dung hoá của tiền nhân."
Chữ Abc được dùng hiện tại, với 28 chữ cái và 5 dấu giọng mang đến sự tiện lợi vô cùng, nhưng cũng còn nhiều bất cập cần được cải cách. Và trong quá trình đó, không thể thiếu sự hiện diện của chữ Nho. Ví dụ: hiện nay, trong các ngành khoa học của nước ta, có một bất cập tồn tại, đó chính là hệ thống từ vựng khoa học chuyên ngành. Có rât nhiều từ ta không thể nào chuyển nghĩa qua tiếng Việt hoặc nếu chuyển qua thì làm mất đi ý nghĩa gốc. Tình trạng này xuất phát từ nguyên do ta đơn thuần sử dụng mẫu tự Abc mà bỏ quên chữ Nho (hơn 90% danh từ học thuyết chuyên môn là chữ Nho), và quan trọng hơn là không có một người/nhóm người đứng ta tạo nên một công trình cải cách thuật ngữ.
Theo Nguyễn Tiến Văn và Đào Mộng Nam thì "Từ năm 1945 thực tế đã chứng tỏ chữ Nho và chữ Abc có thể giúp ta tạo đủ chữ cho bất cứ lãnh vực nào cần dùng trong hiện tại hoặc tương lai".
Một công việc được nhiều người đánh giá là có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực triết học nói riêng và khoa học xã hội nói chung của người Việt đầu thế kỷ này chính là việc biên dịch những công trình triết học đồ sộ của hai cây đại thụ Kant và Hegel, trong đó nổi bật là hai bộ từ điển do Bùi Văn Nam Sơn cùng nhóm của ông thực hiện. Những công trình đó mang đến những điểm mới trong việc tư duy, mở rộng ra là tư tưởng. Cần nhiều hơn những công trình này trong các ngành khoa học ở Việt Nam.
Ở mức độ cá nhân, để rèn luyện tư duy, đầu tiên phải bắt đầu bằng việc trau dồi ngôn ngữ: bao gồm tiếng Việt và ngoại ngữ. Trau dồi tiếng Việt thì chắc chăn tốt nhất là đọc sách. À tôi lại cổ xúy đọc sách đấy. Còn học ngọai ngữ sẽ làm phong phú hơn vốn từ, cũng như cách tư duy của người nói/viết ngôn ngữ đó (à, dĩ nhiên một con mèo học cách kêu ẳng ẳng cũng không thể trở thành con chó được).
Chia sẻ từ một thanh niên không giỏi ngoại ngữ.
P/s: Link tôi tham khảo và bạn nào có nhu cầu hiểu sâu hơn thì cũng nên tham khảo:

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

có những người...

có những người anh, sẵn sàng gọi điện bảo ta "mày đang ở đâu? ra quán abcxyz liền", lo cho ta "cơm no rượu say" chỉ để hỏi ta "dạo này mày có tâm sự gì?" và cho ta lời khuyên chân thành, đầy trải nghiệm.

có những người bạn, sẵn sàng chia sẻ với ta mọi điều trong cuộc sống trên tinh thần "quan điểm của mình là...", ngay cả những vấn đề thuần lý trí không thể giải quyết: chính trị và tôn giáo.

có những người bạn, khi cả hai đang lơ lửng trên tầng men túy lúy, nằm trò chuyện với ta tận 4h sáng, thỏa mãn những thắc mắc của ta về đức tin, và sẵn sàng tặng ta quyển thánh kinh họ nâng niu mỗi ngày.

có những người em, chia sẻ với ta những điều thầm kín, tăm tối nhất trong cuộc sống của họ. và lúc đấy, bằng một cảm quan nào đó, ta thấy mình vẫn còn là niềm tin của nhân lọai.

có những người em, lâu hỏi thăm ta một lần, sẵn sàng mời ta cà phê dù chưa cần biết ta ở chốn nao. "dạ, xa mấy em cũng đến được".

những ngày tuổi trẻ đầy thăng trầm, ta muốn cảm ơn những người bạn, những người anh em đã dang đôi tay khi ta cần, hoặc chí ít, dù vô tình hay hữu ý, có lời động viên ta trong lúc ta yếu đuối nhất.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Đọc Võ Đắc Danh

"Người nông dân cầm bút", người ta gọi ông thế. Nhưng với mình, ông đơn giản chỉ là một người con của mảnh đất phía Nam, chân chất và dạt dào tình yêu quê hương. Đọc ông buồn và ray rứt, nỗi buồn trước những số phận khác nhau trong tiến trình đô thị hóa. Những bất cập, tiêu cực trong công cuộc này được ông ghi lại với nguồn tư liệu sống phong phú, dồi dào. Ông làm ta liên trưởng tới ông già Sơn Nam, nhà Nam bộ học. Ông Sơn Nam tài tử thế nào thì ông Đắc Danh mộc mạc, bịnh dị thế ấy, đó là nói về lối văn.
Đọc ông, ta thấy được một mảng khuất trong đời sống của người nông dân hiện nay ở ĐBSCL. Rồi ta hiểu, ta trăn trở trước cái số phận không thoát ra được của họ. Nó không khác gì người nông dân ta thời trước 1945: tá điền mãi mãi mang kiếp tá điền. Một vòng xoáy cuộc đời mà người nông dân không biết thoát khỏi bằng cách nào.
Tạm thời là vậy, chưa xong hẳn, đọc dần dần.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Một mối quan hệ kỳ lạ

Bọn tôi, những người nghe tên nhưng chưa từng chạm mặt hoặc nói chuyện với nhau bao giờ, ăn nằm một tháng trời trong cái rét mướt của đại ngàn. Vui có, buồn có, cười rất nhiều, khóc không ít nước mắt, kỷ niệm kể không bao giờ dừng lại được...

Một tháng trở về, chúng tôi rất khác, vì đã là gia đình, một gia đình thực sự ấy. Nhưng, mỗi người lại bắt đầu hối hả với guồng quay cuộc sống của mình. Gần ba năm sau một tháng đó, số lần chúng tôi gặp nhau đếm trên đầu ngón tay.

Và hôm nay, trong khung cảnh rất khác: bon chen, nhộn nhịp chốn phồn hoa đô thị, bọn tôi lại ngồi với nhau, cười nói như thuở xưa, tựa không màng gì chung quanh. Luật vẫn thế: âm thầm, không check in, không phổ biến rộng rãi, cho ngày và giờ, ra bao nhiêu cũng chơi, chơi tới bến.

Trong cơn men, chúng tôi lại hát những bài hát ngày xưa. Hát như chưa từng được hát. "Hát giữa mọi người không ngại ngần..."



Chúng tôi hát:"Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi ..." để theo dòng thời sự, nhớ Trần Lập.

Chúng tôi lại hát những bài về núi rừng, nơi mà những nốt nhạc cao nhất được vang ra thật dễ dàng vì không khí núi rừng tinh khiết, trong ngần.
"Tiếng tôi vang rừng núi..."
"Hát giữa mọi người không ngại ngần
bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời... Tôi đi tìm em"
"Ta yêu nhau từ Ban Mê Thuộc...ừ hà...ừ hà..."

Những dòng kỷ niệm ùa về theo từng đoạn nhạc rời rạc, vì nhớ tới đâu hát tới đó, mà kỷ niệm thì đan xen phức tạp vào nhau. Joseph vẫn đệm đàn, bọn tôi khoác vai nhau, hòa ca. Và không lần nào chúng tôi quên hát "Nỗi nhớ mùa xanh", bài hát chúng tôi tự sáng tác riêng cho mình, và cho "vùng đất một tháng" đầy kỷ niệm.

"Đến với núi đồi bạt ngàn, cùng đồi thông xanh mênh mang
Những đứa bé luôn trên môi nụ cười trên con đường tới trường
Đất đỏ bazan hoa mua tim tím ven đường, cùng đàn chim.
....
Nhớ lắm ánh lửa bập bùng
Nhớ lắm những chén rượu nồng
...."