Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Ba khái niệm cơ bản của phân tâm học

Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, chia toàn bộ hoạt động tinh thần của con người ra làm 3 cấp độ: Tự ngã (Id), Bản ngã (Ego), Siêu ngã (Superego).

Tự ngã (Id), hay còn gọi là cái Nó, theo Freud, là quan trọng nhất. Cái Id này bao gồm tất cả những gì do di truyền, có ngay từ lúc được sinh ra. Id là phần nhân cách tối tăm nhất, không thể chạm đến được của mỗi người chúng ta, là nơi trú ngụ của những bản năng nguyên thủy khi con người còn là một con thú. Vì vậy, cái Id mang thú tính, mục đích duy nhất của nó là thỏa mãn các ham muốn bản năng, các khoái cảm mà không cần biết hậu quả.

Một em bé chào đời, có nghĩa là cái Id được nhân cách hóa. Dần dần, thay vì hoàn toàn bị dẫn dắt bởi các bản năng nguyên thủy, cái Id trong em bé chào đời kia phát triển lên thành cái Bản ngã (Ego), hay còn gọi là cái Tôi. 

Trong triết học, cái Ego là phạm trù phản ánh cái riêng có của trung tâm tinh thần một con người. Trong phân tâm học, cái Ego nhận biết được thế giới chung quanh, nhận ra rằng phải ngăn cản "những đòi hỏi bạt mạng của cái Id ". Nó hoạt động dựa trên nguyên lý "thích ứng với thực tại".

Vì có cái Ego mà ta có thể điều hòa được các ham muốn nguyên thủy bản thân mình, tránh bị xã hội trừng phạt. Nhưng nếu cuộc đấu tranh giữa cái Id và cái Ego này nghiêm trọng, hậu quả xảy ra là có thể dẫn đến rối loạn nhân cách và những bệnh tâm thần.

Sau cùng, cấp độ cao nhất - Siêu ngã (Superego), hay còn gọi là cái Siêu Tôi. Có thể nói, giá trị của một con người nằm ở cái Superego, hay nói cách khác, cái Superego làm còn người mang tính người hơn. A.A.Brill, học trò của Freud viết:

"Cái Superego là sự phát triển tinh thần cao hơn hết mà con người có thể đạt tới được và bao gồm lẫn lộn mọi sự cấm đoán, mọi quy tắc cư xử do cha mẹ tạo ra nơi đứa trẻ. Tri giác lương tâm hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của cái Superego".


Nói một cách đại khái, Superego là lương tri của mỗi người, và con người học hỏi, tích lũy được trong quá trình xã hội hóa của mình. Nó bao gồm các lý tưởng đạo đức cá nhân, truyền thống xã hội, quy tắc ứng xử chung được xã hội chấp nhận, ... Như vậy, cái Superego luôn luôn mâu thuẫn với cái Id, cho dù chúng cùng nằm trong cõi vô thức, tức nơi chi phối hầu hết mọi tư duy và hành động của chúng ta.

Như đã nói ở trên, cái Ego nhận thức được thế giới và ngăn cản cái Id thú tính kia. Đồng thời, cái Ego cũng phải chiều lòng cái Superego, để thỏa mãn cái nhu cầu tinh thần cao nhất. Đó là lí do vì sao tôi hay nói rằng mỗi người chúng ta sống hạnh phúc với cấu trúc tinh thần mỗi ta. Có người muốn thỏa mãn phần Id nhiều hơn, hoặc ngược lại. Khi 3 cái này hòa hợp với nhau, cá nhân có trạng thái điều hòa và hạnh phúc.

Dĩ nhiên, những dòng trên đây sẽ không xuất hiện nếu người viết có được trạng thái điều họa và hạnh phúc.
------------------------------------------------
Sigmund Freud, Phân tâm học nhập môn, Nguyễn Xuân Hiến dịch, NXB ĐHQG Hà Nội 2002. (Sách mượn anh Hiếu)

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Một giả thiết về One Piece

Giả thiết này nên gọi đúng hơn là giả thiết của giả thiết. Vì sao gọi như vậy ? Vì tôi đưa ra giả thiết này dựa trên một giả thiết khác mà hầu như ai yêu thích bộ truyện này đều đã một lần nghe qua. Đó là giả thiết về kho báu OP thực sự, trong đó có việc phá hủy Grandline và Redline (GL & RL). Giả thiết của tôi là: việc phá hủy GL & RL là tác giả lấy từ sự thực trong lịch sử. Và các bạn cũng biết Oda là người như thế nào rồi đấy. Tôi sẽ giải thích ngay dưới đây giả thiết của mình.

Gol D Roger, Shanks, Luffy, ba người từng sở hữu chiếc mũ rơm là những người ra biển chỉ vì một mục đích duy nhất: khao khát tự do đi lại trên đại dương. Để hiện thực hóa điều đó, họ phải phá vỡ GL & RL, hai chướng ngại chia cách đại dương thành 4 biển.

Trong lịch sử, trước thế kỷ XIX, để đi từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương, người ta phải vòng qua điểm cực nam của châu Mỹ (eo biển Drake và Mũi Sừng). Tương tự, trước khi đào kênh Suez, tàu từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, châu Phi và châu Đại dương phải trải qua một hành trình rất dài. 

Việc phá hủy GR & RL tương ứng với việc đào hai con kênh Suez và Panama trong lịch sử. Ai cũng biết rằng, việc đào hai kênh đào này đã giúp cho việc thông thương giữa các đại dương trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và ở đây chính là sự đi lại tự do, dễ dàng, ước mơ của Vua hải tặc.

Luận cứ tôi sử dụng để đưa ra giả thiết trên nằm ở người khởi xướng xây dựng hai con kênh này, tên ông ta là Ferdinand de Lasseps. Thật bất ngờ, có chữ de nằm giữa trong tên. Oda đã khéo léo kết hợp hai yếu tố này để tạo ra chữ D (DEmon, DEstiny). Và bạn cũng sẽ bất ngờ hơn nữa khi thấy râu của Ferdinand de Lasseps (xem hình).



Có giống râu của Vua hải tặc không ? Và luận cứ thứ hai: Loguetown, quê hương của Vua hải tặc, thành phố của sự bắt đầu và kết thúc, chính là Versailles, nơi Ferdinand được sinh ra. Hình dưới đây sẽ chứng minh cho điều tôi vừa nói.


Bạn cũng sẽ giải đáp được thắc mắc vì sao Porgast D Rouge, mẹ của Ace lại giống người Pháp như vậy.

Dần gợi mở một điều gì rồi đúng không ?

Và đi ngược lại suy luận bên trên, giả thiết của tôi góp phần củng cố lại giả thiết đầu mà tôi dùng để đưa ra giả thiết này. Tức là giả thiết kho báu OP, trong đó phá hủy GR & RL rất có thể sẽ trở thành hiện thực ở cuối bộ truyện.
----------------------------------------------------------------------
Một sự thực lịch sử khác xuất hiện trong chap 819 vừa ra chính là về vương quốc Wano. Tác giả đã lấy ý tưởng về đất nước Nhật bản vào cuối TK XIX, đầu TK XX. "Phải mở của Wano quốc" di ngôn của Oden chính là ý chỉ canh tân đất nước của Thiên hoàng. Momonosuke, người thực hiện chính là Thiên hoàng Minh trị (THMT) nổi tiếng trong SGK lịch sử lớp 9 kinh điển. Một điểm trùng hợp giữa THMT và Momonosuke là lên ngôi từ rất sớm (THMT năm 12 tuổi). Rất có thể, nhân vật Shogun làm phản sẽ lấy từ hình tượng người đàn ông dưới đây (xem hình).


Lão ở trên là Shogun Tokugawa Yoshinobu, người đã kêu gọi sự giúp đỡ của đế quốc Pháp để chống lại Thiên hoàng. Sẵn dài dòng thì xin dài dòng thêm một ít về Tứ hoàng. Bản thân nghĩ Tứ hoàng đại diện cho 4 nước đế quốc mạnh của thế giới vào TK XIX. Whitebeard là đế quốc Anh, Kaidou là đế quốc Pháp, Bigmom (Charlotte Linlin) là đế quốc Mỹ và Shanks có thể là Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Gia tộc thế giới ngầm Vinsmoke có thể chính là mafia ở đảo Corse (nằm giữa Ý và Pháp).

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Những chấn thương tâm lý hiện đại - Vương Trí Nhàn

Đã từ lâu, ông Vương Trí Nhàn nổi tiếng là một nhà phê bình văn học làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Các sách ông viết phê bình văn học: Một kiếp hoa dại, Ngoài trời lại có trời, ... là những sách có thể giúp cho dân trong ngành tìm thấy ở người và có thể là cả bản thân mình một số gợi ý cho nghề cầm bút. Sau đó, nhận thấy có những kiến thức văn học không chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực thuần văn học mà cần được mở rộng ra trong trong chính cuộc sống, ông bắt đầu nghiên cứu về văn hóa. Tự nhận mình là một người bi quan, đề tài ông viết thường xoay quanh những hành vi không hay, không đẹp trong cuộc sống, thậm chí có nhiều câu gây tranh cãi, ví như "Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ".


Có thể nhận thấy, phần lớn bài viết trong sách là khảo cứu tinh thần đời sống thị dân; những chủ đề ta hầu như bắt gặp hằng ngày: kẹt xe, rác thải, tiếng ồn, ... đến những thương tật trong tâm lý như tính thô bạo, man rợ, trơ tráo, ... Là một dân tộc bước ra từ cuộc chiến tranh với thực dân và đế quốc, chân ướt, chân ráo, ta lại bước vào một guồng xoay mới, hiện đại hóa. Những tinh cách phù hợp với thời chiến đã lỗi thời, chậm nhịp, thậm chí làm trĩu nặng bước chân ta trong công cuộc mới. Với nhãn quan tinh tế, suy nghĩ chín chắn, ông vạch ra những bi hài kịch diễn ra quanh ta khiến ta cười rồi ta suy nghĩ và cuối cùng là ta buồn, một nỗi buồn khó giải bày.

Lối viết đơn giản, không hào hoa khiến người đọc dễ lầm tưởng ở đó sự hời hợt. Hoàn toàn không phải như thế, để đạt được lối viết tinh gọn đấy là cả một quá trình công phu quan sát, nghiên cứu và tư duy. Người có nông có sâu, ta thấy ở ông tính cách thâm trầm của người trí thức chân chính và từng trải, mỗi chữ mỗi câu đều có ý nghĩa của nó. Với tình cảm cá nhân, tôi thích kiểu như thế, nếu so với lời văn "đao to búa lớn".

Ông chọn thể loại phiếm luận, như ông nói để "dễ dàng tiếp cận người đọc", có cái hay nhưng đồng thời cũng có mặt hạn chế. Thể loại này không thể hiện hết được ý và nghĩa mà ông muốn nói. Ta dễ dàng nhận ra ở nhiều bài, cái mạch cảm xúc của ông vẫn còn nhưng nếu càng viết nó càng trở thành một thể loại văn chương khác. Để bù đắp lại điều đó, ông viết rất nhiều. Do đó, đọc Vương Trí Nhàn là ta phải đọc hết và biết xâu chuỗi những vấn đề mang ý nghĩa liên đới để có cái nhìn đủ và đúng về quan điểm của ông.

Trong buổi ra mắt sách, ông có nhận được câu hỏi về tên Vương Trí Nhàn. Ra đây là tên thật chứ không phải bút danh, và chữ Trí ở đây có nghĩa là đi đến tận cùng. Tên là Trí Nhàn nhưng qua những dòng chữ, ta thấy tính cách ông trái ngược hoàn toàn cái tên, đó là sự day dứt và đau đáu, đã ở cái tuổi cổ lai hy mà vẫn suy nghĩ, vẫn trăn trở và vẫn cầm bút viết về những điều chướng tai nghe mắt thấy trong cuộc sống để giúp thế hệ đi sau có được một chút gì trong cách nhìn nhận cuộc sống.

Mỗi khi nhắc đến mấy ông già như vậy, tôi lại lần tưởng đoạn mở đầu trong Hồi ký Sơn Nam, xin trích nguyên văn:

Có ai nghe thì nói, lắm khi như nói một mình. Giới trẻ đứng giây lát rồi bỏ đi, gọi lão đó ăn nói nghe cũng hay nhưng dường như lẩm cẩm. Nhưng không nên cãi vã, lão ta rất tự ái, tự tôn.

Tự ái là phải. Vì lão ta không nói láo. Gần đất xa trời rồi! Nói láo làm chi cho mang tội. Chẳng qua là kinh nghiệm trường đời có giới hạn, muốn truyền lại, già trẻ ai muốn nghe thì nghe. Và dường như ít ai nghe. Họa chăng khi lão mất, người trẻ trở thành người già, nhớ lại bóng dáng lão, rồi đánh giá là người có tư cách. Theo ngôn ngữ xưa trước 1945, có tư cách là có đầu óc là người quan tâm ít nhiều đến chính trị, là người biết vinh biết nhục, có trách nhiệm.


Bắt mạch đúng bệnh là bước đầu tiên của việc chữa trị tận gốc một căn bệnh. Đọc Những chấn thương tâm lý hiện đại của Vương Trí Nhàn, ta có dịp để nhìn nhận lại bản thân và cuộc sống quanh ta, giúp ta điều chỉnh lại tư duy và hành động của mình, từ đó tạo cho xã hội tương lai có một đời sống tinh thần ít bệnh tật hơn.