Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Băn khoăn

Nếu như Hồn bướm mơ tiên (HBMT) là tiểu thuyết đầu tiên, thì Băn khoăn là quyển sau cùng của Khái Hưng viết. Hôm nay, tôi đọc trọn Băn khoăn, và sau cùng đã rã nó thành một mớ giấy vụn, như để giải nỗi băn khoăn trong lòng, dù hiệu quả chẳng là bao.
HBMT chỉ nói đến tình yêu thuần khiết, yêu nhau trong tinh thần mà không cần đoàn viên, còn ái tình của Băn khoăn đa dạng và phong phú hơn: đó là cái ái tình kiểu mẫu của Lan Hương với Cảnh, hoặc của Oanh và Bản; đó là ái tình vụng trộm, thỏa cái cảm giác bệnh hoạn được cắm sừng bạn của Cảnh và Liên, mà đỉnh cao của nó là cái ái tình của cùng hai cha con và một người phụ nữ tên Hảo.
Theo một người anh tôi quen, khái niệm tình yêu không xuất hiện trước Shakepeare. Và ở Việt Nam, tình yêu, theo nghĩa chân chính của nó, chưa xuất hiện cho đến khi phong trào thơ mới, cùng với tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn ra đời.
"Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi...". Đấy là câu Hoài Thanh - Hoài Chân dẫn lời ông Lưu Trọng Lư trong Thi nhân Việt Nam khi nói đến sự ảnh hưởng của phương Tây lên tâm hồn ta, trong ái tình nói riêng.
Nhưng nỗi băn khoăn ở đây của Khái Hưng rộng rãi hơn cái ái tình nhiều. Dù chỉ giới hạn không gian của tiểu thuyết trong tầng lớp tư sản, cũng như chỉ đề cập vài nét biến đổi xã hội, nhưng ta hiểu nỗi băn khoăn của tác giả chính là nỗi băn khoăn thời đại, "vì chúng ta vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ Việt mới" (Dương Nghiễm Mậu).

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Nhà giả kim, hay là cuốn sách của những biểu tượng

Tôi đọc Nhà giả kim khá muộn so với độ tuổi mà tôi cho là nên đọc nó. Nói là quá muộn vì tôi hầu như đã "nếm" mọi thứ Santiago trải qua trong cuộc "hành trình biểu tượng": ước mơ một cuộc sống với đàn cừu, từ bỏ đàn cừu tìm kiếm một cơ hội, bị gạt sach tiền, làm việc ở tiệm pha lê, tiếp tục cuộc hành trình, gặp gỡ nàng Fatima. Là muộn, vì cảm xúc quá đủ để tìm thấy mình trong văn, một chút thiếu thốn cảm xúc sẽ tạo nhiều cảm giác khơi gợi.

Xuyên suốt cuộc hành trình đi tìm mục đích cuộc đời của Santiago là một chuỗi các hình ảnh, sự kiện, nhân vật mang tính biểu tượng tiếp nối nhau: một chàng thanh niên ước mơ chu du thế giới với biểu tượng đàn cừu, tìm ra gợi ý về mục đích cuộc đời, từ bỏ vòng tròn an toàn, dấn thân, nỗi đau và sự bế tắc đầu đời, trong tử lộ tìm ra đường cứu sinh ở tiệm pha lê, tích lũy đủ để tiếp tục giấc mơ đi tìm mục đích cuộc đời, gặp phải những trở ngại tiếp theo, tìm ra được tình yêu lý tưởng, gặp "người dẫn dắt" cuộc đời mình và cuối cùng đạt được mục tiêu.

Vì mang một giá trị phổ quát như vậy, dễ đọc, dễ cảm với "trong văn có chất thơ" nên Nhà giả kim trở thành một quyển "nên tìm đọc" trong nhiều bảng xếp hạng.
Nhưng nếu sử dụng tiêu chí "dấu vết lưu lại" để đánh giá, tức là khi đọc xong một tiểu thuyết nó còn đọng lại trong tâm trí ta, ngự trị ở đó, thỉnh thoảng dày vò ta khi gặp ngoại cảnh cùng tần số, thì Nhà giả kim không phải một quyển tiểu thuyết hay, với cảm nhận riêng tôi. Cái cảm giác "trôi" tuột đi cả về cảm xúc, lời văn, nội dung là cảm giác khi tôi gập quyển sách lại.
Nhưng tôi vẫn vui lòng trả lời "Có" khi ai đó hỏi tôi có nên đọc Nhà giả kim hay không.
----------------------
Viết cho Góc sách - The Book Corner, với anh chủ dễ thương.
GĐ|11/10/16

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Giá trị đồng tiền Việt

Tiền Việt có giá trị thấp hơn cả Lào và Campuchia? Tiền Việt chỉ có giá trị hơn tiền Zimbabwe mà thôi?

Tôi không tin thế.

Xe tôi bon bon tới góc ngã 3 CMT8 – Hòa Hưng thì cảm giác bánh sau như xì hơi. Góc ngã ba đấy là tiệm bơm bánh xe. Do khuất tầm, không thấy rõ bánh xe mình như thế nào, tôi hỏi chú ngồi cạnh tiệm đấy. “Rồi mềm, mềm, vào đây chú bơm ngay”, vừa nói lão vừa vội vàng lấy ống bơm. Tôi vọt xe ngay. Tắp vào đoạn đường trống kiểm tra thì lốp vẫn bình thường.

A! Hóa ra hai nghìn cụ minh cũng khiến con người ta luồn cúi, dối trá, lừa lọc nhau thế đấy. Chỉ hai nghìn cụ minh mà người ta bán đứt nhân phẩm bản thân rồi thì một trăm nghìn cụ minh, một triệu, một tỷ cụ minh mua được xiết bao? Vậy nên các nhà kinh tế cần thiết bổ sung thêm lương tâm, nhân cách như là một yếu tố cơ bản tác động đến giá trị đồng tiền, cẩn thận ăn giải Nobel chứ chả đùa.

Xét xã hội bấy giờ, con người ta bán rẻ cái nhân phẩm lắm. Mà nghĩ cho cùng, bán rẻ là do chỉ thấy cái lợi nhỏ mà quên cái lợi về sau lớn hơn, hoặc cái tai hại sau cái lợi nhỏ đấy.

Đèn đỏ còn vài giây nữa chuyển qua đèn xanh; họ cũng nỡ cướp đi cái quyền bình đẳng về thời gian lưu thông, mà không nghĩ rằng biết bao sinh mạng đã bị cướp đi vì lỗi cỏn con hai ba giây đấy.

Còn sinh viên thì sao? Những người kiến tạo nên tương lai vì tiếc ba bốn nghìn mà dùng thẻ sinh viên giả. Họ có nghĩ đến chỉ vài nghìn mà nếu bị phát hiện thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới danh dự, nhân phẩm mình không.

Có những kẻ nào, có dân tộc nào đáng chê trách như vậy không? Không. Chúng ta chỉ trách kẻ mạnh làm điều tiểu nhược. Những kẻ yếu hèn làm những điều hợp với tư duy và năng lực của chúng thì đáng thương hơn đáng trách. Thật đáng thương. Tôi nhớ lại lời cụ Phan Sào Nam:

“Có tời đâu tối mãi mà không sáng rư? Có người đâu ngủ mãi mà không tỉnh rư? À! Thế có. Xem hình thế gần đây năm mươi năm trở lại thiệt là tối mà không sáng, có một trời nước ta mà thôi. Ngủ mãi mà không tỉnh, có một người nước ta mà thôi.

Ai sẽ là con gà gáy sáng đánh thức mọi người?

Cũng như thủ dâm vậy, nó chỉ mang lại sự sung sướng ngắn ngủi trong hiện tại chứ không thể thay thế hoàn toàn việc làm tình được. Chúng ta muốn cảm nhận được cực khoái khi làm tình khi và chỉ khi chúng ta chịu đựng cảm giác rất đau đớn của lần đầu tiên. Việc chúng ta cần hiện tại là chịu đựng cơn đau đớn đấy để chuyển hóa từ trạng thái xã hội này sang trạng thái xã hội khác.

Xin theo trào lưu, dùng một câu mà tôi thấy cư dân mạng dạo rày hay dùng: “đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…”.

GĐ, 13/11/2015

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Bạn thân

Việc giao lưu bạn bè cũng tựa việc đọc sách vậy, tỉ như gặp gỡ, đàm luận với bạn uyên bác như xem quyển sách mới lạ, mạn đàm với bạn phong nhã như ngâm nga Đường thi, đàm đạo với bạn nghiêm cẩn như đọc sách thánh hiền, phiếm luận với bạn hoạt kê như say sưa tiểu thuyết.
Nhưng bạn thân ít khi nằm trong số đó.
Bạn thân có thể không thâm trầm như bạn uyên bác, không hào hoa như bạn phong nhã, không đạo mạo như bạn nghiêm cẩn, không hài hước như bạn hoạt kê. Nhưng, bạn thân, thật lâu không gặp được dịp ngồi lại bên nhau, tình cảm và câu chuyện vẫn đậm đà; bạn thân xa cách, nghe tin không tốt về nhau, nhất quyết phải xác nhận lại; bạn thân, gặp sự phải trái, dám thẳng thắn phân tích thiệt hơn mà không sợ sứt mẻ tình cảm.
Nếu ví tình bạn thân tựa việc đọc sách, thì bạn thân là một chương quan trọng trong sách hồi ký, do bản thân viết nên. Nếu ví tình bạn thân tựa việc uống rượu, thì bạn thân là loại rượu đế Gò Đen, tức không tao nhã, êm dịu như rượu Làng Vân, không cay nồng, dạt dào như rượu Bàu Đá, mà có mùi và vị vừa phải, càng để lâu càng trong và thơm.

GĐ, 04/9/2016

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Hoài niệm và Buồn

This morning I smelt autumn outside; she wriggled in the window slit, woke me up, and whispered: "I'm here darling". I gently opened my eyes, "Fuck you, bitch, I'm sleeping" - said I.
__________

Phượng tàn dã quỳ nở hoa
Trời buồn man mác biết là thu sang



Hoài niệm, một động từ thường được ta gán cho gam màu vàng úa, màu của lá mùa thu mà ở đất Sài Gòn hai mùa mưa nắng không thể nào hiểu được.
Hoài niệm, một tính từ thường được ta áp vào loại cảm xúc man mác, chưa hẳn là buồn nhưng không vui lắm.
Khi tôi nói về hoài niệm thì thường khung cảnh chiều thu êm hiện ra với mây lãng đãng trôi và lá rụng xào xạc. Hay là khi ngồi ủ ê phía góc tối căn phòng trong chiểu rả rích mưa, thưởng thức ly trà gừng nóng hổi, đọc một quyển sách văn học cổ điển. Hoặc cũng có thể, là khi giam mình trong phòng kín, cạnh màn hé một khe vừa đủ để thấy mưa rơi bên ngoài, ngân nga du dương khúc "Bản tình cuối" với giọng hát Tuấn Ngọc. Tôi hòa nỗi buồn của mình vào thứ chất lỏng đắng đắng chát chát của ly cà phê và thả nó ra cùng với làn khói trắng.
Hoài niệm của mỗi người là một bức tranh với nội dung và hình thức khác nhau tùy vào tâm tính và ký ức, nhưng đều có chung gam màu cũ kĩ của dòng thời gian.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Về trang Ngụy biện - Fallacy: Vài điều muốn chia sẻ

Địa chỉ page: https://www.facebook.com/nguybienVN

Biết đến dự án page từ trước khi nó được thành lập (founder mời like page khi nó chỉ khoảng hai, ba mươi like), tôi có theo dõi page sơ sơ tạm gọi là; đến nay, tính tới thời điểm truy cập, page này đã đạt mốc lượt like khá đẹp: 33.222, tôi nhận thấy ba điểm cần chú ý ở page Ngụy biện - Fallacy

1. Tên gọi

Theo như tên page, ta hiểu fallacy mang nghĩa ngụy biện. Thực ra không chính xác, khái niệm fallacy mang ý nghĩa rộng hơn là ngụy biện. Ngụy biện (Sophism) được hiểu là một sai lầm được sử dụng cố ý trong tranh luận. Một sai lầm trong tranh luận do vô ý được gọi là ngộ biện (Paralogism). Hai khái niệm "Ngụy biện" và "Ngộ biện" gọi chung là Fallacy. Như vậy ở đây, founder đã để người đọc hiểu khái niệm Fallacy thiên về ngụy biện, một từ mang hàm ý không mấy tốt đẹp trong tiếng Việt. Ẩn ý ở đây nhằm mục đích gì?

2. Sử dụng ngụy biện

Bỏ qua nhận định về chất lượng nội dung mà nói theo ngôn từ bình dân, giản dị của ông anh tôi "viết ngu và dở ẹc" thì ở đây, dễ thấy page chủ trương khuyên độc giả tránh sử dụng fallacy trong tranh luận. Tuy nhiên, ở phương Tây, fallacy được chấp nhận sử dụng trong tranh luận. Chẳng hạn, lấy một ví dụ đơn giản về lối ngụy biện "Công kích cá nhân (ad hominem)".

"Trong xóm này ông A là một người xấu tính nhất, nên chính ông A là kẻ trộm".
"Trong xóm này ông A từng có tiền án về tội trộm cắp nên rất có thể ông A chính là kẻ trộm".

Dù cả hai phát biểu (statement) đều sử dụng lỗi công kích cá nhân nhưng vẫn có sự khác biệt giữa hai lối lập vừa nêu trên. Điểm mấu chốt ở đây là sự xác đáng giữa hai vế trong khi công kích một người. Và nói rộng ra, sử dụng ngụy biện hợp lý trong tranh luận là việc hoàn toàn được chấp nhận, trong những trường hợp khả dĩ.

(Có thể tham khảo thêm phần Criticism as a fallacy trong khái niệm Ad Hominem trên Wiki để hiểu rõ ví dụ kể trên)
https://en.wikipedia.org/wiki/Ad_hominem

3. Mục đích

"Các kiến thức về ngụy biện (fallacy) rất đáng tiếc lại không được dạy rộng rãi trong các trường ĐH, hay ít nhất là trong các khoa ngành XH, báo chí tại Việt Nam. Vì sao như vậy? Câu trả lời admin nghĩ đến, đó là kiến thức này tuy rất hay nhưng không có lợi cho nhà chức trách, vì họ muốn đại đa số dân chúng không thấy những cách lý luận tầm bậy, sai bét nhè, phản khoa học của các tài liệu chính thống nhà nước, báo chí VN.."

Chiến lược của page: cung cấp loại công cụ miễn phí cho mọi người, để mỗi người có trong tay một loại vũ khí nhằm sử dụng chống lại Nhà nước. Vì vậy, theo quan điểm bản thân, ai cho gì miễn phí thì cứ xài, nhưng xài phải hiểu xài ra sao, xài như thế nào. Nhiều khi tưởng nó tốt, mà thực ra chả tốt gì cả. Giờ facebook đầy cỏ rác, phải suy nghĩ đủ thứ, mệt mỏi.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Hồn bướm mơ tiên

Ở đời, có muôn vàn lý do khiến người ta yêu nhau mà không đến được với nhau. Hồn bướm mơ tiên (HBMT) kể về Ngọc, chàng trai theo lối Tây học, lên chơi chùa Long Giáng vãn cảnh, lỡ trót trao trái tim mình cho "chú tiểu" Lan:

"Thưa ni cô, ni cô không ngại. Tôi xin thú thật với ni cô rằng tôi yêu ni cô, tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai. Ni cô là một người thông minh dĩnh ngộ, xinh đẹp như thế thì ai lại không yêu được... Mà lạy Phật tha tội cho, có lẽ ni cô cũng đôi lần cảm động".

Dù có một thoáng động lòng trần tục nhưng cuối cùng Lan vẫn chọn gửi mình nơi cửa Phật. Truyện kết thúc vào buổi chiều thu lá rụng, với hình ảnh Ngọc dắt chiếc xe đạp xuống đồi, "vạn vật như theo tiếng chuông chiều thong thả rời vào quãng êm đềm, tịch mịch"; còn Lan "đứng chắp tay tụng niệm, mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co, lượn khúc dưới chân đồi".


Cốt truyện đơn giản, ít nhân vật, đồng thời, tác giả sử dụng lối văn ngắn gọn, đơn giản, HBMT vẽ ra bức tranh mực tàu, đưa người đọc vào cõi sơn thủy trầm mặc.

Nghệ thuật nổi bật trong truyện chính là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Ông diễn sự biến đổi tâm lý bên trong nhân vật hết sức tự nhiên, hợp lý và duyên dáng.

Nhẹ nhàng, sâu sắc, thoảng hương trầm u mặc cõi Phật pháp, đọc Hồn bướm mơ tiên như uống một ngụm tịnh trà trong buổi chiều thu man mác có "lá rụng!", "lá rụng!", xa xa tiếng chuông chùa ngân vọng tái tê. Cái đăng đắng ban đầu xen lẫn vị ngọt diu thanh của chén trà làm dư vị của nó kéo dài, khiến ta luyến tiếc mãi. Đó là cảm giác khi gập sách lại.

Nhưng dọc truyện này, mị tình quá, hay như ai đó gọi "yêu nhau trong linh hồn trong lý tưởng" mà không cần sum họp. Cái chất lãng mạn này không trách được, vì là trào lưu chung trong dòng chảy văn học thời bấy giờ. Và Hồn bướm mơ tiên, tiểu thuyết đầu tiên của Tự lực văn đoàn, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

TQĐ, 25/6/16

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Từ cải cách giáo dục ở Phần Lan nghĩ về chuyên ngành Đô thị học (Urban Studies)

Tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông có đăng tin về sự thay đổi lớn trong giáo dục ở Phần Lan. Theo đó, học sinh sẽ không còn học các môn riêng lẻ như toán học, vật lý, lịch sử, địa lý,…; thay vào đó, các em sẽ học các môn này theo “chủ đề hiện tượng”. Xin được trích ví dụ từ bài báo trên Vnexpress đăng ngày 03/4/2015 
“Chẳng hạn, khi học chủ đề Liên minh châu Âu, những kiến thức về kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý của các quốc gia thành viên, sẽ được lồng ghép vào bài dạy.”
Như đã biết, Phần Lan là đất nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới; và những nhà giáo dục của Phần Lan, lẽ dĩ nhiên là những chuyên gia hàng đầu. Việc thay đổi như vậy không phải từ những ý nghĩ đột xuất của một cá nhân hay nhóm xã hội nào; chắc chắn nó đã được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trở thành phương pháp, hệ thống giáo dục quốc gia. Bản thân người viết hoàn toàn ủng hộ và yêu thích.

Vậy cải cách đó có gì liên quan tới chuyên ngành Đô thị học. Phần tiếp sau chắc chắn không giải thích hoàn toàn thỏa đáng câu hỏi trên; đó chỉ là những suy nghĩ, những hiểu biết pha chút nào đấy tình cảm cá nhân của người viết; bạn đọc thấy sai chỗ nào, chỉnh chỗ đấy, mắc cỡ gì.

Như đã biết, để đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, khoa học đã phát triển theo hướng phân chia thành ngành và chuyên ngành. Sự phân ngành của các ngành khoa học xã hội và nhân văn diễn ra từ những năm 90 của TK XVIII. Người ta cho rằng, mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào đó của thế giới và chúng được coi là một chỉnh thể cần phải nghiên cứu độc lập. Các chuyên ngành xác định ranh giới rõ ràng và tồn tại một cách bình đẳng. Trong đó, mỗi chuyên ngành lại hình thành cho mình những chương trình, những khái niệm, nội dung, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, các lĩnh vực chuyên sâu,...


Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các học thuyết khoa học xã hội mới trong TK XIX - XX, đặc biệt là quan điểm duy vật biện chứng của Các Mác đã phủ định xu hướng này. Các khoa học gia cho rằng, những hình thức mới của tri thức đòi hỏi phải có những bộ khung kiến tạo tri thức mới. Họ đã thách thức tính cục bộ của các khoa học chuyên ngành trong việc khép kín quy trình nhận thức. Và thực tiễn đã được giải quyết dựa trên quan điểm này, qua đó chứng minh tính liên ngành trong khoa học là đúng đắn và chân chính.

Một trong những đặc điểm của chuyên ngành Đô thị học mà tất cả SINH VIÊN ĐÔ THỊ (và có lẽ là cả những học sinh THPT có nguyện vọng thi vào ngành) đều biết rõ chính là tính liên ngành: môi trường đô thị, kinh tế học đô thị, xã hội học đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị, đô thị học đại cương,...

Để làm rõ điều này, trước tiên ta hãy tìm đến khái niệm về đô thị. Khái niệm kinh điển về đô thị mà tất cả chúng ta khi học môn Đô thị học đại cương đều nhớ rất rõ: "Tập hợp một nhóm người đông, sống, làm việc, sinh hoạt trên lãnh thổ hạn chế (mật độ dân số cao), hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tối thiểu 65%".

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM

Nhắc lại khái niệm để nhớ, thật ra, xét đến cùng đô thị, dù lớn hay nhỏ, loại đặc biệt hay loại V (theo phân loại như nghị định số 42/2009/NĐ-CP), cũng đồng thời là:
Không gian vật thể
Không gian kinh tế
Không gian văn hóa – xã hội

Do vậy, khi giải quyết bất kỳ bài toán nào trong đô thị, người ta không thể sử dụng đơn thuần khoa học kinh tế hay thuần khoa học xã hội. Đô thị, là nơi giao thoa giữa các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị nên việc sử dụng các giải pháp, khoa học mang tính tổng hợp, liên ngành là đòi hỏi tất yếu.

Chính việc phải giải quyết bài toán đô thị bằng tư duy tổng hợp và liên ngành, nên cơ quan quản lý nhà nước về đô thị phải là nơi tập trung các chuyên gia về nhiều ngành: kinh tế, chính trị, kiến trúc – xây dựng, xã hội, văn hóa, giáo dục, … Những chính sách, những giải pháp đô thị cũng phải được đánh giá, nghiên cứu kĩ lưỡng trên cơ sở tranh luận, trao đổi và thống nhất giữa các chuyên gia với nhau.

Nói xuôi phải nói ngược. Chính sách, giải pháp đô thị đã được các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị đưa ra, tức là ít nhiều đã được bàn bạc, trao đổi, thống nhất giữa các chuyên gia. Việc đánh giá những chính sách, giải pháp đó cũng phải dựa trên tư duy tổng hợp và liên ngành, không phải chỉ tùy vào cảm giác chủ quan, duy ý chí hoặc sử dụng đơn thuần một khoa học nào đánh giá; làm như vậy là phản khoa học, đi ngược lại xu hướng khoa học hiện đại.

Bỏ qua những yếu tố về thể chế chính trị, cơ cấu xã hội, năng lực cá nhân,… nếu chỉ xét đơn thuần về mặt khoa học, người viết tin rằng: Đô thị học (Urban Studies) là một khoa học hiện đại, chân chính, cấp thiết (đối với hoàn cảnh đất nước hiện tại), và đầy tiềm năng. Nếu bạn đã, đang hoặc sẽ trở thành thành viên của nó, bạn chắc chắn phải vững tin, từ tận đáy lòng.

GĐ, 06/4/2015

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Về chốn quen cũ

Tắp xe lên lề đường, hãm phanh, dừng xe. Tôi mở cốp, lấy trong xe một điếu thuốc, và với một động tác nhanh nhạy quen thuộc, điếu thuốc đã bắt lửa trên môi tôi. Tôi kéo hơi đầu tiên thật sâu rồi từ từ nhả ra làn khói trắng xóa. Với một động tác nhanh nhẹn khác, tôi chộp lấy cuốn sổ và cây bút, loại bút kiến trúc độ dày nét 0,1. Tôi muốn chép lại cảm xúc này ngay bây giờ, vì tôi sợ thằng trí trong thằng Trí sẽ phản bội tôi ngay sau cái thời khắc hiện tại.

Viết lách, có thể là nghiệp của kẻ cầm bút, là con điếm mà thằng bồi bút lôi lên giường làm tình ngày đêm khi hắn có nhu cầu, là sở thích của kẻ mang tinh thần bệnh hoạn,... Nhưng thiên tính của nó thì mãi không thay đổi: giãi bày những chất chứa trong lòng.

Tôi trở lại đấy vào một tối trời mưa không nặng hạt, nhưng đủ làm cả người run lên vì lạnh, cái lạnh của nước mưa thấm qua áo vào da thịt. Đã thấy mây đen vần vũ từ xa, nhưng cả cái vô thức lẫn hữu thức đều bắt buộc bản thân không thể dừng xe quay đầu lại.

Cũng như yêu một cô gái, không phải vì cổ đẹp, xinh hoặc thông minh; là bởi những tính chất đó mang tính phổ quát, tức có rất nhiều cô gái có những tính chất trên; điều quan trọng chính là cảm giác, cái đặc thù mà cô gái đó mang lại cho ta, cái cảm giác mà không một cô gái nào khác có thể mang đến cho ta, chỉ riêng nàng mà thôi. Về cảm giác đó, ở những người khác nhau là không giống nhau. Về góc phố quen cũng vậy.

Góc phố quen, nơi tôi có thể lựa chọn vào một cafe DJ phù phiếm gọi một ly Long Island, trong ánh đèn mờ ảo làm lộng lẫy, lung linh những đường cong căng mộng, đầy nhựa sống hoặc thưởng thức một ly trà nghi ngút khói ở một trà quán đậm chất Huế với nhân viên nữ trong tà áo dài tím đằm thắm hỏi:"quỵ khạch dùng chi ạ?", hay thông thường nhất là một đĩa chân gà, hai chai bia ở một quán lề đường, quán không tên mà tôi thường gọi quán anh bê đê.

Tôi rẽ xe vào chốn không gian phù phiếm. Đó không phải tâm tính của tôi, mà bởi chỉ vì nơi đó có sự hòa quyện quyến rũ giữa hai mùi hương sứ trắng và cau trắng, từ ngôi biệt thự kín cổng cao tường tọa lạc tại địa chỉ số 9 đường CL. Cái cảm giác dễ chịu hoàn toàn, trong làn sương ẩm của cơn mưa vừa tan, hòa quyện thành một thể hơi hoàn hảo, dìu dịu đưa nhẹ vào mũi, làm thân thể nhẹ nhàng, thanh thoát, trầm mặc.


Dừng bút vì nó không còn mực, và đôi môi thì đang bỏng rát khi tàn thuốc đã cận kề. Tôi châm thêm một điếu nữa, và rút từ cốp cây bút chì. Tiếp tục, vừa ngồi trên xe vừa viết, dưới những giọt mưa vương trên lá, rớt xuống và tiếng nhạc từ quán cafe Pha Lê đối diện đang xập xình.

Tôi bắt đầu quan sát xung quanh vì bên trong đã trống rỗng. Chín trên mười chiếc xe gần nhất tôi thấy là có hai người, có nam có nữ. Vẫn như ngày xưa, nơi đây không dành cho những kẻ cô đơn, lạc lõng. Nhưng biết làm sao, cái cảm giác lạc lõng cho tôi nhiều cảm giác mà tôi vẫn đang thích thú tận hưởng, dù trong một vài khoảng, nó làm tôi đau nhói.

Hai kẻ đi bộ ngược lối nhau, nhưng đều nhìn tôi với cùng đôi mắt lạ lẫm. Quần kaki, áo sơ mi dài tay cài nút, mang giày tây, một kẻ đang ngồi ghi chú những dòng gì không rõ ràng, vì chữ hắn xấu quá.

Bên kia đường, ba bạn trẻ, một nam hai nữ, vừa dừng xe để thảo luận xem nơi đâu ăn chơi gần và ngon. Bụng tôi thì cồn cào, réo rắt, đòi hỏi phải chiều lòng nó. "Mày đợi tao tí đã", tôi vỗ ve nó, an ủi.

Tôi chọn ra ngoài, để thấy vật đổi sao dời, để lắng nghe âm thanh cuộc sống, để hít thở không khí có lẫn mùi hương quen thuộc, để tiếp xúc với thế giới. Tôi chọn ra ngoài để từ mắt thấy, tai nghe, tôi lại nghĩ, tôi cảm giác, hoài nghi, vui sướng, ưu sầu, lo toan, dằn vặt, mặc cảm,... để tôi thay đổi cái tinh thần hai màu đen trắng của mình, để tôi biết mình còn hiện hữu với thế giới này.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Nói một chút về nút like

Được chú ý, được quan tâm, được chia sẻ, có lí do nào khác ngoài những điều vừa kể đã tạo một áp lực vô hình có giá trị 150/100 mmHg và buộc bạn phải chia sẻ thông tin, kiến thức, xúc cảm bản thân với mọi người, cụ thể ở đây là một vài dòng trạng thái trên Facebook? Hẳn là không. Điều đó không khó hiểu vì những nhu cầu đó tồn tại hiển nhiên trong mỗi chúng ta, và chúng nằm ở những tầng bậc cao trong tháp nhu cầu Maslow. Bài viết dưới đây, người viết muốn chia sẻ góc nhìn chủ quan về một góc độ hẹp trong việc sử dụng mạng xã hội (MXH) của bản thân và một số người mà tác giả quen biết.

Một kiểu like

Hơn trăm năm trước, ở đế quốc Nga, một tầng lớp người được hình thành với những ngoại hình, tính cách, suy nghĩ rất đặc trưng. Họ đại diện cho một kiểu người đã được nhà văn Chekhov miêu tả qua nhân vật Belikov; kiểu người trong bao duy trì những mối quan hệ thông qua cách thức hết sức kỳ quặc: đi hết nhà này đến nhà khác "kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn chung quanh như tìm kiếm vật gì". Về bản chất, kiểu duy trì mối quan hệ đó, ngoài nguyên nhân không gian lịch sử bức bối, ngột ngạt dưới chế độ Nga hoàng, có nguyên nhân sâu xa nằm ở sự yếu đuối của tâm hồn. Sự yếu đuối về tâm hồn được thể hiện ra ngoài bằng những hành động thô thiển, lố bịch.

Một trăm năm sau, trong không gian lịch sử khác, vẫn bức bối, ngột ngạt, sự yếu đuối trong tâm hồn được diễn ra dưới một hình thức khác, thông qua việc sử dụng MXH, một hình thức like mà tôi gọi là like thảo mai (hoặc like Belikov). Đặc trưng cơ bản của hình thức này: việc nhấn nút like có nhiệm vụ cao cả là duy trì mối quan hệ và thông báo về sự tồn tại của ta với những ai đó.

Nút like và sự độc lập của ta

Khi ấn nút like một trạng thái nào đó, tức là bạn đang đặt một mối quan hệ với đối tượng kia. Tuy nhiên, sự thân thiết của một mối quan hệ lại không phụ thuộc vào tần suất nút like. Dạo này, mình có một thí nghiệm nho nhỏ trên facebook: không nhấn nút like trong một thời gian, tức là ngăn mình giao tiếp với những mối quan hệ trên không gian mạng xã hội.

Nếu bạn đã xem Naruto, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói ở đây dễ dàng hơn. Ý mình là về Naruto và Sasuke, hai nhân vật đại diện cho hai cách ứng xử trong các mối quan hệ xung quanh. Nếu Naruto tìm sự mạnh mẽ ở những mối quan hệ bạn bè, người thân xung quanh mình, thì Sasuke, ngược lại, tìm kiếm sức mạnh ở chính bản thân mình. Sasuke muốn độc lập, muốn đứng một mình, mạnh mẽ và ngạo mạn. Và mình đang nhìn vấn đề ở đây theo cách của Sasuke.

Những mối quan hệ chiếm một phần trong trái tim và tâm hồn ta, và khi xem xét một vấn đề, ta phải tìm đến ngăn chứa của mối quan hệ, mở ra và cân nhắc, đắn đo. Khi chúng ta càng đặt mình vào nhiều mối quan hệ, ta yếu đuối dần đi, một cách tương đối. Một bằng chứng khá hiển hiện cho luận điểm này: những người đi làm thường ít đăng status (ít chia sẻ) hơn so với trước đây, có phải là do họ độc lập hơn (ít nhất là trên lĩnh vực tài chính).

Ứng xử ra sao trong thế giới ảo này

Nhu cầu sử dụng MXH của mỗi người là không giống nhau, và trong mỗi người nói riêng, tâm tính ở những thời kỳ khác nhau, là rất khác. Vì vậy chúng ta có các cách thức sử dụng MXH khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và tâm tính bản thân, đồng thời mỗi người tạo ra cho bản thân một cộng đồng bạn bè phù hợp với nhu cầu và tâm tính đó.

Như vậy, sự áp đặt suy nghĩ và cách thức sử dụng MXH là một điều điên rồ. Ở đây, mình không muốn nhận gạch đá xây nhà, mà chỉ muốn đề cập một số biểu hiện về cách sử dụng nút like mà tôi thấy nghịch lý:

- Không like những gì bạn bè thân thiết nhất của ta chia sẻ.
- Tại sao cùng một thông tin nhưng bạn lại like trạng thái của người này mà không phải của người kia.
- Tại sao bạn lại like của những người mà bạn biết chắc chắn rằng họ không biết bạn là ai.
- Like dạo, like vô tội vạ khi chưa cần biết nội dung bài đăng.
- Tự like bài đăng bản thân.
- ...
Nhưng sẽ chẳng có gì là nghịch lý nếu quy nó về tâm tính cá nhân.

Những cái kết

- Với nhiệm cụ cứu rỗi những linh hồn tìm kiếm sức mạnh, nút like thực sự đã tạo ra một tôn giáo của riêng nó, với số lượng tín đồ cao nhất thế giới.
- Qua cách thức sử dụng MXH, ta thường đánh giá về một con người, đó là một sai lầm kinh khủng. những gì bạn thấy họ trên MXH là những gì họ muốn cho bạn thấy về họ. Cuộc sống của họ không nằm hoàn toàn trên MXH.
- Chúng ta sẽ nói về MXH như là một thử thách cho tính độc lập cá nhân của mỗi ta.

Tóm lại, mình thấy câu này có thể tóm gọn lại cách ứng xử của chúng ta với nút like:"Tôi là một người đàn ông đơn giản, tôi thấy gái đẹp, tôi like. Tôi là một người đàn ông phức tạp, tôi thấy gái đăng status có nhiều chất xám, tôi like. Nhưng, có sự phức tạp nào không bắt đầu từ những điều đon giản. Tóm lại, tôi like cái mẹ gì thì kệ tôi". Vâng, mình tôn trọng sự đa dạng của thế giới.

Như mọi lần, bài viết là quan điểm của tác giả và dù gì, tác giả bài viết cũng cần được chia sẻ :)).

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Nàng (II)

"Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi". Bạn bè đã về hết, chỉ còn tôi và nàng ngồi đối diện nhau, trước mặt là 2 ly bia đã cạn.
"Em nói đi, anh đang nghe đây!" - Tôi bảo nàng.
***
Năm tiếng trước, lúc tan học về, nàng nhắn tôi, ngắn gọn và súc tích:"Anh! 7h, uống bia quán cũ, em buồn".
***
"Em chia tay bạn trai rồi" - giọng nàng ảo não, mi mắt nàng kéo xuống, khép khép.

Tôi im lặng, kinh nghiệm cho tôi biết rằng, mọi thứ tôi nói trong tình huống này đều là trái khoáy. Một khoảng im lặng, tôi lặng lẽ rót bia vào ly cho cả hai. Làm động tác nâng ly, tôi uống cạn ly bia đầy của mình, và đặt ly xuống. Nàng cũng vậy. Tửu lượng nàng tốt hơn tôi.

"Uống tí nữa rồi đi theo anh!"
Nàng im lặng, gật đầu. Trong hơi men chếch choáng, cái khẽ gật của nàng rất là đáng yêu.

Tôi để vô thức dẫn dắt đường đi của chiếc xe máy mà tôi và nàng đang ngồi trên. Ngay chính đêm đó, tôi còn không nhớ rõ mình và nàng đã chạy xe đến tận đâu, có lẽ vì tôi say, mà cũng không hẳn, vì tâm trí tôi dành cả cho nàng.

"I drive all night, to keep her warm. And time is frozen."

Nàng vòng tay qua ngực tôi. Dừng nó trước khi kết thành một cái ôm, tôi bảo nàng đừng làm thế, chúng ta chỉ là bạn.

Lúc vít hết tay ga tìm cảm giác, khi chầm chậm lắng nghe giọng trầm ấm của nàng, người con gái Bảo Lộc. Nàng kể, tôi nghe, thi thoảng chêm vài lời an ủi. Chỉ đơn giản có thế, nhưng chân thành.

Sau đêm ấy, thái độ của nàng với tôi khá đặc biệt. Một thời gian sau, trong một cơn say, nàng inbox tôi, tỏ tình. Nhưng tiếc là, nàng đến không đúng lúc vì tôi chưa muốn đặt mình trong một sự kìm hãm của một mối quan hệ tình yêu. "Anh muốn uống với em, như là hai người bạn hơn".

Sau này, nàng có bạn trai mới, nhưng vẫn thường trách tôi quá vô tâm, sao không cho nàng một cơ hội nào. Tôi chỉ biết mỉm cười mỗi khi thế và nói với nàng rằng:"Trong những người con gái anh quen, anh thích uống cùng em nhất". Tôi biết con tim mình nó thế nào.

Tôi và nàng còn uống với nhau nhiều lần nữa, vì chúng tôi cùng sở thích ăn chân gà nướng và uống bia. Nhưng những ly bia lần đó có hương vị riêng biệt, hương vị của một người con gái đang thất tình trong hiện tại và sẽ thất tình một lần nữa trong tương lai.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Nàng (1)

Với kinh nghiệm đối ẩm cùng phụ nữ không ít, tôi vẫn đinh ninh: con gái khi say, chỉ có hai dạng, hoặc khóc sướt mướt vì những nỗi buồn thầm kín chôn giấu bấy lâu, hoặc cười luôn miệng vì một nguyên nhân chỉ họ mới hiểu. Nàng, người con gái làm cho tôi biết rằng tôi sai, rằng còn có ít nhất một dạng thứ ba.

Nàng, từng là học sinh chuyên văn ở một trường chuyên nổi tiếng của thành phố, và tôi biết nhau qua vài ông anh chung. Những người con gái học trường này đi ngang qua đời tôi đều để lại những dấu vết khó phai nhạt trong tâm trí; và nàng không phải một ngoại lệ. Một cách tình cờ, tôi và nàng có cơ hội hiểu nhau hơn trong một tháng tình nguyện ở Tây nguyên.

Nàng và tôi khá dè dặt về nhau, lúc ban đầu. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng, đối phương là những người sống trong tâm hồn mình nhiều hơn là những gì biểu hiện ra ngoài. Một loại ngầm hiểu, không ai nói ra, nhưng qua những nụ cười ẩn ý, những hành động vô thức, chúng tôi cảm được. Biểu hiện rõ ràng nhất mà cả hai có thể cùng làm để đối phương nhận diện:"Tôi và bạn đều là cung Cự Giải, nha".


Nàng là một người mãnh liệt, dữ dội như dòng sông mà người lái đò sông Đà chinh phục, và tinh tế, phức tạp như tâm lý của Kiều khi trao duyên, ấy là về tình cảm. Chuyện tình cảm của nàng, tôi hiểu. Sau này, chính nàng thừa nhận, chỉ tâm sự được với tôi, vì tôi nắm câu chuyện, cảm thông với nàng, và hay ho nhất, có thể là cầu nối cho những tình cảm nàng đến được nơi nó cần phải đến. Khi nàng tỏ bày, chúng tôi không bao giờ dùng từ ngữ trực tiếp của vấn đề, chỉ đơn thuần là những cụm từ, những câu nói ẩn dụ, những ngôn ngữ riêng mà chỉ chúng tôi hiểu, như chính cái hiểu mà bọn tôi ngầm cảm về nhau.

Đó là đêm cận ngày cuối trước khi một tháng chiến dịch tình nguyện kết thúc, và mười bảy người bọn tôi quyết định sẽ thật say, thật thỏa chí một bữa, trải hết bầu tâm sự cho nhau. Tôi biết, lúc đó, nàng buồn. Trở về Sài gòn, người con trai mà nàng yêu nồng nhiệt sẽ không còn là của nàng. Sẽ không còn là cái gối ôm ấm áp trong khí trời cắt da thịt của núi rừng Tây nguyên những ngày dầm dề mưa, sẽ không còn là cảm giác thích thú, gây nghiện của những lọn tóc xoăn xoáy tít vào mắt, mũi, miệng và da thịt, sẽ không còn mùi hơi nhục dục thôi thúc con thú ẩn sâu trong vùng tăm tối đáy con tim, sẽ không còn nhiều thứ khác, sẽ không còn gì cả, sẽ không còn...

Trước buổi tối ấy, tôi bảo nàng:"Tối nay thật say, nhé T...!" Nàng mỉm cười, khẽ gật.

Là luật, nếu tôi muốn hỏi nàng một câu và nàng muốn hỏi tôi một câu (dĩ nhiên là đối phương chỉ có lựa chọn là trả lời thành thật) chúng tôi sẽ uống mỗi người 6 ly. Chúng tôi uống mỗi người 12 ly. Rượu nếp gần 40 độ mà nàng uống ngọt tựa Singapore Sling. Rồi ly thứ 13, 14,... 20, 21... đến một con số cụ thể nào đó mà nó sẽ mãi mãi là bí ẩn trong suốt phần đời còn lại của chúng tôi.

Là kẻ say sưa nhiều lần, tôi biết cái trạng thái túy lúy của tôi và nàng là giống nhau, không đủ để nhớ đầu đuôi tất cả mọi việc, nhưng chưa đến mức xem mọi sự diễn ra như là trong một giấc mơ. Một điều chắc chắn, chúng tôi phải rất say. Thế mà, nàng uống, uống, và ngồi đó một cách bình tĩnh lạ thường. Không một chuyển động nhỏ nhất nào trên khuôn mặt của nàng làm ta hình dung tới nỗi buồn mà nàng đang chịu đựng. Nàng say, nàng không cười cũng chẳng khóc, nàng tự chủ. Tôi vẫn in hằn trong tâm trí khuôn mặt đó của nàng. Nàng đã cho tôi lại cái cảm giác như khi tôi đọc "Buổi dạ tiệc" của Mona Gardner.

Và chi tiết cuối, chúng tôi cùng nhớ: Tôi cùng nàng, khoác vai nhau, dìu nhau đến chỗ ngủ, nằm cạnh nhau, như hai người anh em.

Vào buổi sáng hôm sau, tôi mở mắt ra, đập vào mắt tôi đầu tiên là đôi mắt nàng, to tròn và long lanh, đang nhìn tôi. Cả hai chúng tôi, như thường lệ, trao cho nhau những nụ cười đầy ẩn ý, và, tôi xoa đầu nàng, nàng thích được như vậy.

Nàng, một người con gái kỳ lạ đi ngang qua đời tôi. Cảm giác kỳ lạ trên mức tình bạn, nhưng chắc chắn không phải là tình yêu. Chúng tôi gọi cái mối quan hệ lạ kỳ đó chỉ bằng từ ngữ thô thiển "bạn nhậu".


Ngôn ngữ - vỏ của tư duy

Thuở hồng hoang, khi con người trao đổi, diễn tả với nhau bằng những âm thanh ú ớ, những cử động chân tay. Dần dần, những âm thanh được phân biệt, mang ý nghĩa khác nhau, đó là tiền đề ra đời của tiếng nói. Nhưng tiếng nói chỉ phát ra tức thời, không lưu giữ lại được, từ đó phát sinh ra nhu cầu cần có một cái gì đó để lưu giữ lại những âm thanh, cử động. Và, chữ viết ra đời. Tiếng nói dùng trong sinh hoạt, còn chữ viết là một dạng vật thể. Do đó, tiếng nói có trước, quan trọng hơn chữ viết, là khởi nguồn, và độc lập cho chữ viết. Và chữ viết, tùy theo diễn đạt âm thanh hay cử động mà phân ra chỉ ý hoặc chỉ âm.
(Mở rộng một tí, thực ra chữ viết chỉ là một dạng mã hóa của tiếng nói, được hiểu thông qua thị giác. Một số kiểu mã hóa khác mà con người dùng các giác quan còn lại để hiểu tiếng nói như: chữ nổi (xúc giác), huýt sáo (thính giác),...
Nhờ có ngôn ngữ, con người có thể diễn đạt được tình và ý của mình cho nhau. Và cũng nhờ ngôn ngữ, con người bắt đầu định nghĩa những gì diễn ra ngoài thế giới và trong tinh thần mình một cách mạch lạc, rõ ràng. Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể cảm xúc, tư duy và hành động trong phạm vi ngôn ngữ của bản thân. Ví dụ, khi tim ta chùng xuống, nặng trĩu, cảm giác bị thắt ở lồng ngực, nhoi nhói, ta biết đó là buồn; hoặc khi ta thấy môi hai người nam nữ chạm vào nhau, lưỡi cuốn vào với lưỡi, ta biết đấy gọi là hôn kiểu Pháp, tiếng dân dã gọi là ăn cháo lưỡi. Đó chính là khả năng hiểu thế giới và chính chúng ta của ngôn ngữ; và ngôn ngữ được gọi là vỏ của tư duy.
Vì vậy, người có khả năng ngôn ngữ thường có tư duy tốt hơn so với người ít có khả năng ngôn ngữ, là vì họ có khả năng diễn đạt những gì diễn ra xung quanh mình và bên trong họ bằng hệ thống ngôn ngữ trong họ (vốn được trau dồi tốt hơn). Nhưng nói như thế không có nghĩa là người ít có khả năng ngôn ngữ có tư duy không tốt. Khả năng ngôn ngữ tốt chỉ là điều kiện cần để có một tư duy tốt, ngoài ra, để tư duy tốt, còn cần các yếu tố khác như: sự vận dụng linh hoạt vốn ngôn ngữ (khả năng liên kết), sự tưởng tượng,... Một nhà văn giỏi, vì đơn thuần ông chọn lọc, sắp xếp và tưởng tượng các phần tử trong hệ thống ngôn ngữ của mình một cách hợp lý, tài tình, chạm được vào đôi mắt, con tim và bộ não độc giả.
Như đã nhấn mạnh ở trên, mỗi người chúng ta cảm giác, tư duy và hành động trong khả năng ngôn ngữ của mình. Vì vậy, tư duy của người học triết sẽ là rất khó hiểu đối với nhiều người trong chúng ta, vì họ có cả một kho từ (ngôn ngữ học gọi là hình vị) mà chúng ta hiếm khi dùng: tư biện, ý niệm, biện chứng, siêu hình, thực chứng,... hoặc cả những hình vị giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác khi chúng được sử dụng trong triết học. Anh nhà báo có tư duy của anh nhà báo vì có cả một khái niệm "ngôn ngữ báo chí" cơ mà. Anh ngôn ngữ Nga, Tây Ban Nha thì có tư duy của... một anh Việt Nam học ngoại ngữ. :)) (đoạn này tôi viết cho một số người bạn tôi, không đọc cũng không ảnh hưởng đến nội dung toàn bài).
Ngôn ngữ Việt, do vận mệnh lịch sử, được hình thành dựa trên thế chân vạc của: tiếng Việt - chữ Nho - chữ Abc, là một ngôn ngữ đặc biệt. Đặc biệt như thế nào thì ta phải tìm hiểu sâu vào từng yếu tố trong 3 yếu tố kia, mà trong hạn chế của bài viết, tôi không có khả năng trình bày. Lưu ý ở đây rằng, chữ Nho không phải là chữ Hán và chữ Nho không phải là của Nho giáo. Tôi lưu ý ở đây vì rằng sẽ có người nói học chữ Nho là "thân Tàu". Và nói thêm ở đây, tôi cổ xúy việc học chữ 1000 chữ Hán cơ bàn ở cấp bậc phổ thông. "Người Việt nào hô hào loại bỏ hết chữ Nho trong tiếng Việt không những vô ý thức mà còn phản bội công trình dung hoá của tiền nhân."
Chữ Abc được dùng hiện tại, với 28 chữ cái và 5 dấu giọng mang đến sự tiện lợi vô cùng, nhưng cũng còn nhiều bất cập cần được cải cách. Và trong quá trình đó, không thể thiếu sự hiện diện của chữ Nho. Ví dụ: hiện nay, trong các ngành khoa học của nước ta, có một bất cập tồn tại, đó chính là hệ thống từ vựng khoa học chuyên ngành. Có rât nhiều từ ta không thể nào chuyển nghĩa qua tiếng Việt hoặc nếu chuyển qua thì làm mất đi ý nghĩa gốc. Tình trạng này xuất phát từ nguyên do ta đơn thuần sử dụng mẫu tự Abc mà bỏ quên chữ Nho (hơn 90% danh từ học thuyết chuyên môn là chữ Nho), và quan trọng hơn là không có một người/nhóm người đứng ta tạo nên một công trình cải cách thuật ngữ.
Theo Nguyễn Tiến Văn và Đào Mộng Nam thì "Từ năm 1945 thực tế đã chứng tỏ chữ Nho và chữ Abc có thể giúp ta tạo đủ chữ cho bất cứ lãnh vực nào cần dùng trong hiện tại hoặc tương lai".
Một công việc được nhiều người đánh giá là có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực triết học nói riêng và khoa học xã hội nói chung của người Việt đầu thế kỷ này chính là việc biên dịch những công trình triết học đồ sộ của hai cây đại thụ Kant và Hegel, trong đó nổi bật là hai bộ từ điển do Bùi Văn Nam Sơn cùng nhóm của ông thực hiện. Những công trình đó mang đến những điểm mới trong việc tư duy, mở rộng ra là tư tưởng. Cần nhiều hơn những công trình này trong các ngành khoa học ở Việt Nam.
Ở mức độ cá nhân, để rèn luyện tư duy, đầu tiên phải bắt đầu bằng việc trau dồi ngôn ngữ: bao gồm tiếng Việt và ngoại ngữ. Trau dồi tiếng Việt thì chắc chăn tốt nhất là đọc sách. À tôi lại cổ xúy đọc sách đấy. Còn học ngọai ngữ sẽ làm phong phú hơn vốn từ, cũng như cách tư duy của người nói/viết ngôn ngữ đó (à, dĩ nhiên một con mèo học cách kêu ẳng ẳng cũng không thể trở thành con chó được).
Chia sẻ từ một thanh niên không giỏi ngoại ngữ.
P/s: Link tôi tham khảo và bạn nào có nhu cầu hiểu sâu hơn thì cũng nên tham khảo:

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

có những người...

có những người anh, sẵn sàng gọi điện bảo ta "mày đang ở đâu? ra quán abcxyz liền", lo cho ta "cơm no rượu say" chỉ để hỏi ta "dạo này mày có tâm sự gì?" và cho ta lời khuyên chân thành, đầy trải nghiệm.

có những người bạn, sẵn sàng chia sẻ với ta mọi điều trong cuộc sống trên tinh thần "quan điểm của mình là...", ngay cả những vấn đề thuần lý trí không thể giải quyết: chính trị và tôn giáo.

có những người bạn, khi cả hai đang lơ lửng trên tầng men túy lúy, nằm trò chuyện với ta tận 4h sáng, thỏa mãn những thắc mắc của ta về đức tin, và sẵn sàng tặng ta quyển thánh kinh họ nâng niu mỗi ngày.

có những người em, chia sẻ với ta những điều thầm kín, tăm tối nhất trong cuộc sống của họ. và lúc đấy, bằng một cảm quan nào đó, ta thấy mình vẫn còn là niềm tin của nhân lọai.

có những người em, lâu hỏi thăm ta một lần, sẵn sàng mời ta cà phê dù chưa cần biết ta ở chốn nao. "dạ, xa mấy em cũng đến được".

những ngày tuổi trẻ đầy thăng trầm, ta muốn cảm ơn những người bạn, những người anh em đã dang đôi tay khi ta cần, hoặc chí ít, dù vô tình hay hữu ý, có lời động viên ta trong lúc ta yếu đuối nhất.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Đọc Võ Đắc Danh

"Người nông dân cầm bút", người ta gọi ông thế. Nhưng với mình, ông đơn giản chỉ là một người con của mảnh đất phía Nam, chân chất và dạt dào tình yêu quê hương. Đọc ông buồn và ray rứt, nỗi buồn trước những số phận khác nhau trong tiến trình đô thị hóa. Những bất cập, tiêu cực trong công cuộc này được ông ghi lại với nguồn tư liệu sống phong phú, dồi dào. Ông làm ta liên trưởng tới ông già Sơn Nam, nhà Nam bộ học. Ông Sơn Nam tài tử thế nào thì ông Đắc Danh mộc mạc, bịnh dị thế ấy, đó là nói về lối văn.
Đọc ông, ta thấy được một mảng khuất trong đời sống của người nông dân hiện nay ở ĐBSCL. Rồi ta hiểu, ta trăn trở trước cái số phận không thoát ra được của họ. Nó không khác gì người nông dân ta thời trước 1945: tá điền mãi mãi mang kiếp tá điền. Một vòng xoáy cuộc đời mà người nông dân không biết thoát khỏi bằng cách nào.
Tạm thời là vậy, chưa xong hẳn, đọc dần dần.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Một mối quan hệ kỳ lạ

Bọn tôi, những người nghe tên nhưng chưa từng chạm mặt hoặc nói chuyện với nhau bao giờ, ăn nằm một tháng trời trong cái rét mướt của đại ngàn. Vui có, buồn có, cười rất nhiều, khóc không ít nước mắt, kỷ niệm kể không bao giờ dừng lại được...

Một tháng trở về, chúng tôi rất khác, vì đã là gia đình, một gia đình thực sự ấy. Nhưng, mỗi người lại bắt đầu hối hả với guồng quay cuộc sống của mình. Gần ba năm sau một tháng đó, số lần chúng tôi gặp nhau đếm trên đầu ngón tay.

Và hôm nay, trong khung cảnh rất khác: bon chen, nhộn nhịp chốn phồn hoa đô thị, bọn tôi lại ngồi với nhau, cười nói như thuở xưa, tựa không màng gì chung quanh. Luật vẫn thế: âm thầm, không check in, không phổ biến rộng rãi, cho ngày và giờ, ra bao nhiêu cũng chơi, chơi tới bến.

Trong cơn men, chúng tôi lại hát những bài hát ngày xưa. Hát như chưa từng được hát. "Hát giữa mọi người không ngại ngần..."



Chúng tôi hát:"Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi ..." để theo dòng thời sự, nhớ Trần Lập.

Chúng tôi lại hát những bài về núi rừng, nơi mà những nốt nhạc cao nhất được vang ra thật dễ dàng vì không khí núi rừng tinh khiết, trong ngần.
"Tiếng tôi vang rừng núi..."
"Hát giữa mọi người không ngại ngần
bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời... Tôi đi tìm em"
"Ta yêu nhau từ Ban Mê Thuộc...ừ hà...ừ hà..."

Những dòng kỷ niệm ùa về theo từng đoạn nhạc rời rạc, vì nhớ tới đâu hát tới đó, mà kỷ niệm thì đan xen phức tạp vào nhau. Joseph vẫn đệm đàn, bọn tôi khoác vai nhau, hòa ca. Và không lần nào chúng tôi quên hát "Nỗi nhớ mùa xanh", bài hát chúng tôi tự sáng tác riêng cho mình, và cho "vùng đất một tháng" đầy kỷ niệm.

"Đến với núi đồi bạt ngàn, cùng đồi thông xanh mênh mang
Những đứa bé luôn trên môi nụ cười trên con đường tới trường
Đất đỏ bazan hoa mua tim tím ven đường, cùng đàn chim.
....
Nhớ lắm ánh lửa bập bùng
Nhớ lắm những chén rượu nồng
...."