Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Đọc Sơn Nam

ĐỌC SƠN NAM 

Sơn Nam không mạnh về truyện dài và tiểu thuyết. Về tiểu thuyết, ông chỉ viết duy nhất Bà chúa hòn; về truyện dài, ông viết độ 5 truyện vừa và 2 truyện dài. Với cảm nhận cá nhân, nó không đặc sắc. Bút ký, ghi chép, hồi ký cũng vậy. Những tác phẩm được đánh giá cao của ông là biên khảo và truyện ngắn.

Đào Tấn nhận xét về ông "đọc nhiều nhưng viết rất ít"; "ít" nhưng ông đã kịp để lại hàng trăm truyện ngắn, cũng như hàng nghìn trang viết biên khảo về mảnh đất phía Nam tổ quốc.

Về truyện ngắn, theo tôi, có 3 điểm mạnh để xếp ông riêng một mâm trong các nhà văn viết về Nam bộ:

- Vốn sống dồi dào, phong phú: điều này quá rõ ràng, không phải ngẫu nhiên người ta gọi ông là "nhà văn đi bộ", những gì mắt thấy tai nghe được ông đưa vào các truyện ngắn của mình rất tài tình. Để hiểu sâu sắc sự tài tình đó, trước hết nên đọc trọn bộ Hương rừng Cà Mau (tập hợp 66 truyện ngắn), rồi đọc các biên khảo về Nam bộ, sau đọc lại HRCM lần nữa thì khắc hiểu.
- Lối hành văn rất riêng: "mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc" đấy là người ta nói về giọng văn của ông; nhưng còn thiếu, ở nhiều đoạn, ta thấy ông viết rất tài tử, duyên dáng và hài hước. Như đoạn dưới đây:

"Công việc thăm viếng không gấp rút cho lắm, tôi bước thật chậm, hút thuốc phì phà, nhìn xem các cô gái qua lại, như bao nhiêu người khác, nhìn cho mãn nhãn - cái nhìn ấy không tốn kém gì ráo. Và chắc hẳn các cô sẵn sàng tha thứ cho muôn ngàn cặp mắt tò mò, biểu lộ bao nhiêu ước mơ vô lễ. Đó là giấc mơ giữa ban ngày của bọn mày râu, lì lợm, đã học luân lý khá nhiều nhưng chẳng áp dụng được bao nhiêu, mặc dù đầy đủ thiện chí bảo vệ luân lý cổ truyền!"

Về biên khảo, có hai điểm đáng lưu ý trong biên khảo Sơn Nam:
- Chất văn trong biên khảo: ở điểm này, vừa là cái hay vừa là cái bất tiện khi đọc biên khảo của ông. Hay ở chỗ nó dễ thấm, dễ đọc; bất tiện ở chỗ không có hệ thống, khi cần tra khảo lại rất khó.
- Tài liệu ông sử dụng: đa phần những trích dẫn trong biên khảo ông dùng từ 2 nguồn, sách Pháp văn và báo, tạp chí. Do khai thác được các tài liệu tiếng Pháp nên các trích dẫn, số liệu trong biên khảo của ông rất chi tiết, ít "đụng hàng". Nguồn nào không có, ông đến Vân Đường phủ, nhờ ông anh già, không thiếu thứ gì.

Đọc Sơn Nam là nhìn về một giai đoạn lịch sử vùng đất mới, để hiểu công lao to lớn của tiền nhơn, để đi sâu vào lòng đất mẹ phù sa và để yêu thương mảnh đất hai mùa mưa năng này nhiều hơn.

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Chuyện linh tinh (1)

Bệnh hoạn nằm cả ngày, ngóc đầu dậy ăn được miếng cháo mà cũng nuốt không ngon vì 2 lẽ:
1. Chuyện vỉa hè
Bọn nào bảo chuyện vỉa hè dễ bỡn ông Hải chỉ làm đúng chức năng nhiệm vụ mà làm gì tung hê thì nói thật là... bọn chả biết mẹ gì.
Vỉa hè nếu chỉ đơn thuần là một không gian công cộng thì sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng ngoài ra, nó còn là không gian kinh tế, không gian văn hóa; việc làm sạch đẹp nó trông một vài giờ thì dễ, nhưng để “dọn” nét văn hóa đặc trưng hơn trăm năm ở Sài Gòn (vỉa hè ra đời khoảng năm 1860), công ăn việc làm của 30% dân số, và là một nguồn cung ứng thực phẩm quan trọng (số liệu lấy từ bài báo Người Đô thị phỏng vấn GS. Annette Kim) mới là chuyện đáng bàn.
Những động thái vừa qua của UBND quận 1 tôi cho là những bước đi đầu tiên hợp lý trong việc tổ chức lại không gian công cộng. Nó đã làm được 2 điều quan trọng nhất nếu muốn giải quyết một vấn đề trong đô thị: quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng thuận của người dân trong thực thi.
Vấn đề tiếp theo mà quận 1 cần giải quyết (một cách lâu dài) là các phát sinh ra từ việc dọn dẹp vỉa hè đó như thế nào: kế sinh nhai, tổ chức lại việc bán hàng rong, cơ sở hạ tầng đảm bảo, công tác quản lý kiểm tra… Điều đó chờ hạ hồi phân giải.
2. Chuyện nhìn nhận lại vai trò triều Nguyễn
Việc bị phủ nhận vai trò trong lịch sử của triều Nguyễn có nguyên nhân chính là việc nó được chính quyền Sài Gòn dựng nên thành một lực lượng tinh thần trong mặt trận chống cộng, điển hình là các chiến dịch tố cộng diệt cộng mang tên các danh tướng triều Nguyễn như Trương Tấn Bửu, Thoại Ngọc Hầu,...
Từ 20 năm trước, việc nhận thức lại vai trò của triều Nguyễn đã manh nha với công trình đầu tiên là bộ Địa chí Thành phố Hồ Chí Minh; vậy mà đến bây giờ khi nhắc đến chuyện đó, cứ như còn nóng hôi hổi ngày hôm qua.
Chối bỏ lịch sử cũng chính là góp phần tạo nên lịch sử. Lịch sử triều Nguyễn chưa tổng kết đúng đắn và toàn diện được, trong khi bây giờ viết về thời đại này, các học giả nước ngoài (Tsuboi, Li Tana, Keith Weller Taylor…) đã vượt qua ngay chính những người trong nước thì e là tiền đồ học thuật chẳng mấy sáng sủa.
Chú thích ảnh:
(Ảnh 1: Mất độ sử dụng vỉa hè khu trung tâm (cũ) của TPHCM lấy từ thư viện SLAB)
(Ảnh 2: Hình chụp trước đền thờ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phú Nhuận)

nàng catie... (to be continued)

"...catie có một căn phòng màu xanh. vào lúc bình mình, ánh sáng ban mai luồn qua khe cửa sổ, thắm dịu lại bởi lớp màn trắng có chi tiết hoa văn cổ điển, và khi chạm đến đôi mắt u buồn của nàng, nó huyền ảo, lung linh gõ lên ánh mắt còn ngủ say một bản ballad viết ở cung la thứ. nàng khẽ nhíu cặp mày, trở mình. nàng catie đã dậy từ trước đó, nhưng nán lại trên giường vì muốn tận hưởng cái sảng khoái đầu ngày."


Tranh "Awaiting his return" By William Ladd Taylor (1854-1926)

"...nhưng khi nàng không muốn tiếp xúc với thế giới, tấm màn màu trắng khép lại, mọi cảnh cửa đóng kín, căn phòng bị cô lập, lạnh lẽo nhuốm màu xanh ghi và vào những ngày mưa, còn tù mù và ủ rũ hơn. nàng thích được như vậy, đó là cảm giác con tim nàng kiếm tìm khi không thể bao dung bất kỳ tồn tại nào trên thế giới này. vì làm sao bao dung cho được, những cơn bão ngoài kia đã giày xéo nó đôi lần, hằn lại trên nó những vết thương chưa lành; những vết thương rất sợ thứ ánh sáng ấm áp, dễ chịu vì sẽ đay nghiến nó trong một cơn đau thắt không gì tả xiết...."


Tranh: “The reader" by Carl Vilhelm Holsøe (Danish, 1863-1935)

''...catie không hề thích mưa. ''mèo ghét ẩm ướt lắm, nên mình chẳng ưng mưa''. nhưng nàng lại thích cảm giác chìm đắm trong căn phòng tối u u, le lói chút ánh sáng lọt qua khe cửa sổ tí ti mà nàng đã cố ý không khép. toàn bộ cơ thể nàng sẽ hòa với bóng tối thành một thể thống nhất hoàn hảo, ngoại trừ những ngón tay của bàn tay trái đan lên vệt sáng yếu ớt kia.
''mưa làm ta yếu đuối và lãng mạn một chút cậu ạ; nhưng rồi ánh sáng tất yếu kia lại đến bắt ta lại mạnh mẽ và thực tế trở lại, cậu nhỉ?''.

Tranh: "Girl with a candle (Self-Portrait) (1911) by Zinaida Serebriakova (1884 - 1967).

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Tư Nhép

Khoảng hơn 10 năm trước là giai đoạn hoàng kim của 2 câu lạc bộ Gạch Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai khi cả hai đội thay phiên giữ cúp 4 mùa liên tiếp từ 2003 – 2006.
Những trận đại chiến nảy lửa với một bên là bộ đôi tiền vệ xuất sắc nhất Việt Nam bấy giờ Tài Em – Minh Phương cùng với Santos trấn giữ khung thành và anh em nhà Rodriguez ở phía trên; bên kia là bộ ba người Thái Lan bay: Kiatisak – Dusit – Tawan, sau này là Thonglao.
Trận đầu còn là dịp để 2 ông bầu chịu chơi nhất V-league thể hiện đẳng cấp khi mà họ sẵn sàng chi số tiền thưởng cho một trận thắng còn cao hơn cả chức VĐQG. Nói không ngoa, derby Việt Nam hồi đó còn được gọi bằng cái tên hết sức đơn giản: Gạch – Gỗ.
Nhưng tất cả chỉ là sự hào nhoáng của giới truyền thông. Đằng sau đó, ít người biết về một gã đàn ông, người đã đứng sau giúp đỡ Gạch thủ lấy lại cân bằng trong cuộc sống sau những trận chiến khốc liệt đó.
---------------------
(20h: chuyến bay chở GĐTLA sau trận đấu ở sân Chi Lăng về đến Tân Sơn Nhất)

Một giờ sau, dàn xế của những Tài Em, Minh Phương, Quý Sửu,… đã đậu đặc lừ trước quán.
“Đó, chỗ đó đó, bọn nó đậu xe ở đấy, còn bọn nó ngồi nhậu ngay chính chỗ tụi mày đang ngồi hiện giờ luôn, cỡ chục cái bàn. Tụi nó ghé đây toàn gọi trước một tiếng, cua ghẹ gà heo nhím chó gì chỉ cần gọi trước một tiếng, dù có lên rừng xuống biển, anh Tư vẫn lo cho tụi bây đầy đủ mồi màng!”
“ĐM! Bọn nó uống khiếp, một thằng đâu cỡ cả thùng!”
Gã đàn ông đầu bạc trắng với giọng khàn khàn kể lại.
Hơn 25 năm lái xe dọc Bắc ngang Nam đủ để lão có một vốn sống dồi dào, phong phú từ chế nhạc bài Anh Ba Khía “Quán của tao đặt tên anh Tư Nhép, món ngon rất nhiều giá lại rất bình dân.” đến Đường thi:
“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Bia uống mềm môi ai trả tiền?”
Mồi bén, giá bình dân giữ khách một, thì cái tính hào sảng, nghĩa khí đúng chất Nam Bộ; ăn nói bặm trợn, phóng khoáng mà vui vẻ, nhiệt tình là thứ giúp lão giữ khách lâu dài.
Ngồi với lão lâu lâu nghe lão đâm cho hơi vọng cổ, hay kể chuyện quá khứ y như phim kiếm hiệp, trận túy lúy nó cứ sảng khoái, rộn ràng.
“Bây giờ, bọn nó thỉnh thoảng vẫn ghé tao, như thằng Minh Phương đâu làm HLV trên Bình Phước, hôm rồi trốn đội ra đây ngồi với tao, vậy là tao vui rồi!” – Lão nói khi đã ngà ngà, giọng đượm chút buồn tuổi già.

GĐ,18/2/17

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Lịch sử cách ị hay là sự thay đổi mãi mãi phương thức ở của loài người?

Một trong những phát minh quan trong nhất góp phần kiến tạo nên hình thái đô thị hiện nay mà loài người đã phát minh ra, xuất phát từ nhu cầu hết sức cơ bản: ĐẠI TIỆN (dân gian tùy vùng miền gọi là đi cầu/ỉa/nặng).

Con trai đỡ đầu của nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất, John Harington, khởi nguồn với thiết bị bồn cầu xả nước hiện đại đầu tiên năm 1596 với biết bao chế giễu và kết thúc sự nghiệp sáng tạo của mình trong sự nhạo báng, cười chê của mọi người.
200 năm sau (1775), Alexander Cumming đã làm nên cuộc cách mạng trong lịch sử, khi cải tiến phát minh "vớ vẩn" kia, áp dụng một ống hình chữ S (ta gọi cái dạ dày) ngay bên dưới bồn cầu. Chính điều này đã ngăn chặn mùi hôi từ cống đẩy ngược lên trên.

Nhờ có phát minh này, lần đầu tiên, chức năng "đại tiện": được gộp chung vào khu ở, hiện diện trong từng ngôi nhà, trong từng phòng ngủ, để từ đó các căn hộ khép kín ra đời.

Sau đó, người ta chồng các căn hộ khép kín này lên nhau theo các nguyên tắc, tạo thành các cao ốc, và từ đó, lối ăn ở của loài người được định nghĩa lại mãi mãi, theo hướng từ mở rộng bề ngang sang nâng cao chiều dọc.